Thể thao thành phố cần gì?

Trong báo cáo của Đảng ủy Sở VH-TT TPHCM tại buổi làm việc với đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM mới đây, có đánh giá về sự ổn định của thể thao TPHCM trong thời gian qua, nhất là ở việc đóng góp nhân lực cũng như thành tích cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29. Tuy nhiên, cũng không khó để nhận thấy, tỷ trọng đóng góp ấy chưa tương xứng với kỳ vọng cũng như tiềm lực của thành phố đông dân nhất nước.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng chi tiết rất quan trọng nêu trong báo cáo là: Các trung tâm đào tạo và thi đấu trọng điểm đều đang nằm trên bàn giấy. Cụ thể, trong khi Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc chỉ tái khởi động sau 20 năm “đắp chiếu”, thì trung tâm huấn luyện đỉnh cao tại Phú Thọ vẫn đợi hoàn chỉnh quy hoạch cho các khu chức năng liên quan, mặc dù trường đua đã chấm dứt hoạt động từ lâu, các VĐV đỉnh cao cũng đã về sinh hoạt tập luyện thời gian qua. Một dự án khác là Trung tâm thể thao Phan Đình Phùng, “cái nôi” của nhiều môn thể thao đỉnh cao, hiện đang chờ chỉ định nhà đầu tư để xây mới. Hiện nay, TPHCM chưa có khu vực dành riêng cho huấn luyện thể thao thành tích cao. Trong khi đó, địa điểm thi đấu đẳng cấp quốc tế cũng chỉ có Nhà thi đấu đa năng Phú Thọ, với vài sự kiện lớn nhỏ được tổ chức từ đầu năm đến nay, con số quá khiêm tốn so với nhu cầu của người hâm mộ và càng không thể so sánh với thời đỉnh cao.
Thể thao là lĩnh vực đặc thù, thành tích luôn gắn liền với tập luyện. Cơ sở vật chất càng chuyên biệt, hiện đại thì VĐV càng mau tiến bộ, nhất là ở đẳng cấp quốc tế luôn đòi hỏi phải cập nhật nhanh những thiết bị, thông tin hiện đại. Thế nhưng trên thực tế, ngoài việc Trung tâm Phú Thọ được xây mới phục vụ cho SEA Games 2003 đến nay, không hề có thêm những địa điểm hiện đại phục vụ cho thi đấu, chưa nói đến chuyên biệt cho huấn luyện. Đã có thời gian, ngành thể thao TPHCM linh động giao khoán các môn đỉnh cao về cho từng trung tâm cấp quận nhằm tăng tính chuyên biệt, nhưng dù tự chủ về cơ sở vật chất nhưng việc đầu tư lại vướng nhiều trở ngại do các trung tâm đó vẫn phải phục vụ cho hoạt động thể chất tại địa phương. Ngoài trở ngại do thiếu nguồn vốn đầu tư cũng như hiệu quả sử dụng, thì trách nhiệm của ngành thể thao là không nhỏ. Ví dụ như từ sau Trung tâm thể thao Thành Long, đến nay chưa có thêm một đơn vị tư nhân nào đầu tư cho thể thao tầm cỡ như vậy. Điều này cho thấy, tự thân ngành thể thao không tạo ra được sức hút, không chủ động đề xuất các giải pháp về cơ chế để vận động nguồn lực đầu tư đa dạng. Thậm chí còn có lúc đề nghị bán các cơ sở tập luyện trong nội thành để có tiền xây dựng Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc. 
Không có cơ sở tốt, không tổ chức được những giải thể thao đẳng cấp cao cũng sẽ khiến phong trào tập luyện thể thao giảm sút, càng khó thu hút đầu tư. Chính vì vậy, cái cần đầu tư nhất của ngành thể thao TPHCM đó chính là sự quyết liệt, đột phá của những tư lệnh ngành. Phải có những đề án giàu tham vọng hơn trong việc phát triển thể thao TPHCM, chứ không dừng lại việc chờ đợi “đòn bẩy” SEA Games 2021. 

Tin cùng chuyên mục