Thế khó của các công ty bán lẻ

Những công ty bán lẻ đang lâm vào thế khó trong nỗ lực hướng đến tương lai xanh hơn, khi nhà đầu tư và khách hàng muốn các siêu thị có biện pháp bảo vệ môi trường hơn, nhưng không sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận thấp hơn, hay phải trả mức giá cao hơn.
Gian hàng trái cây không đựng túi nhựa của siêu thị Tesco
Gian hàng trái cây không đựng túi nhựa của siêu thị Tesco

Đây là chia sẻ của ông Ken Murphy, người đứng đầu chuỗi cửa hàng bán lẻ Tesco lớn nhất của Anh. Khi được hỏi, liệu người tiêu dùng có sẵn sàng trả giá cao hơn cho các thực phẩm bền vững hơn hay không, ông Murphy cho biết: “Luôn có một bộ phận nhỏ những khách hàng cam kết mạnh, sẵn sàng trả giá cao, nhưng thực tế là đại đa số người tiêu dùng không như vậy”. Theo ông, khách hàng kỳ vọng công ty tìm ra cách cải tiến, tạo các sản phẩm bền vững. Nhiều nhà đầu tư cũng nhấn mạnh rằng, các siêu thị cần tập trung hơn vào các mục tiêu môi trường nhưng lại không muốn nhận lại lợi nhuận thấp hơn cho khoản đầu tư của mình. Vì vậy, công ty rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan với những ưu tiên này.

Trong nhiều năm trở lại đây, tiêu dùng xanh được coi là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tesco, chuỗi siêu thị đã có 102 năm tuổi và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ tại Anh, đã đặt ra các kế hoạch trung hòa khí thải CO2 vào năm 2035 thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo, giảm đồ nhựa và khuyến khích chế độ ăn bền vững hơn. Tesco, một công ty với các chuỗi dây chuyền cung ứng toàn cầu và khoảng 360.000 nhân viên đòi hỏi thay đổi ở khắp các khâu trong công ty, đã chuyển sang trồng dâu tây theo chiều thẳng đứng nhằm giảm lượng nước sử dụng để tưới; bán khoai tây không rửa sạch để kéo dài tuổi thọ của khoai; và dùng các loại bao bì đóng gói có thể tái sử dụng.

Tuy nhiên, theo MSN, không chỉ có Tesco, nỗ lực giảm sử dụng đồ nhựa của hầu hết các chuỗi siêu thị bán lẻ trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19, vì khách hàng thay đổi cách hành xử, lại tìm đến các loại bao bì nhựa để tăng mức an toàn phòng dịch. Cũng tương tự như sử dụng đồ nhựa, người tiêu dùng khó khăn trong đại dịch cũng đã chuyển sang ăn thịt đỏ, thay vì hướng đến ăn sản phẩm tự nhiên có giá đắt đỏ mà một phần cũng do lạm phát gây ra.

Thực phẩm chúng ta ăn, được sản xuất, chế biến và vận chuyển… chính là nguyên nhân gây ra gần 1/3 lượng khí thải nhà kính toàn cầu và gần 70% sự mất mát đa dạng sinh học toàn cầu trên đất liền. Cũng như Tesco, nhiều công ty bán lẻ thực phẩm - chiếm một vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị thực phẩm - hiểu những gì cần thiết để xây dựng một hệ thống thực phẩm có khả năng phục hồi. Họ có thể làm việc với các nhà cung cấp của mình để tạo ra những thay đổi mang tính đột phá, đồng thời thu hút khách hàng tham gia vào cuộc hành trình. 

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang khiến cho hành trình hướng đến tương lai xanh hơn của các chuỗi siêu thị bán lẻ gặp khó khăn không nhỏ. Trong khi nhiều nhà vận động vì môi trường hoài nghi về mức độ sẵn sàng của các công ty lớn trong việc cắt giảm khí thải, coi đây như là một “bài tập” về quan hệ công chúng hơn là nỗ lực đạt mục tiêu bảo vệ môi trường, thì Tesco, đại diện ngành bán lẻ nói chung, cho biết họ cũng mong đợi chính phủ nâng cao nhận thức về lợi ích của việc chống lại biến đổi khí hậu. Đó là trách nhiệm của tất cả mọi người và các công ty bán lẻ cũng muốn giúp khách hàng của mình giảm lượng khí thải.

Tin cùng chuyên mục