Thế kẹt của châu Âu

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến châu Âu tham dự 3 cuộc họp thượng đỉnh với NATO, G7 và EU nhằm tìm cách siết chặt lệnh cấm vận Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, việc EU phụ thuộc vào dầu khí của Nga và Moscow vừa yêu cầu thanh toán bằng đồng rouble đã đẩy phương Tây vào thế kẹt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) tại cuộc họp thượng đỉnh NATO ngày 24-3
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) tại cuộc họp thượng đỉnh NATO ngày 24-3

NATO tiếp tục dồn quân về Đông Âu

Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 24-3, khối này cho biết sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu. Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và hội nghị thượng đỉnh EU sau đó có khả năng tập trung vào các biện pháp trừng phạt Nga mạnh hơn nữa. Bất chấp yêu cầu của Kiev, NATO vẫn không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine. Hiện đã có khoảng 40.000 binh sĩ NATO trải dài từ Baltic đến biển Đen và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc triển khai 4 đơn vị chiến đấu mới ở Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia. NATO cũng sẽ đồng ý gửi thiết bị cho người Ukraine.

Trong video gửi tới các hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 24-3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi NATO hỗ trợ quân sự “không giới hạn cho Kiev” trong bối cảnh tròn một tháng từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này. Ông Zelensky đề nghị NATO gửi thêm cho nước này vũ khí tấn công, cụ thể là 1% tổng số máy bay chiến đấu, 1% tổng số xe tăng của NATO. Mỹ và một số nước thành viên NATO cho tới nay vẫn từ chối đưa máy bay chiến đấu tới Ukraine vì lo ngại làm leo thang đối đầu với Nga.

Trong khi đó, theo Sputnik, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov ngày 23-3 bác bỏ tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga phạm “tội ác chiến tranh” tại Ukraine. Đăng tải trên kênh Telegram của phái bộ ngoại giao Nga tại Mỹ, ông Antonov cho rằng: “Những tuyên bố như vậy vượt ra ngoài lẽ thường”. Đại sứ Nga tại Mỹ còn bày tỏ tin tưởng rằng mục đích của những cáo buộc như vậy từ Washington là âm mưu “làm cho đất nước của chúng tôi (Nga) trở nên xấu xa trong mắt công chúng, nhằm kích động sự căm ghét người Nga”.

Khó thoát phụ thuộc

Các nhà lãnh đạo EU dự kiến tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga tại hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài 2 ngày, bắt đầu vào ngày 24-3. Nga hiện vẫn là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu với 40% nhu cầu khí đốt, 27% lượng dầu nhập khẩu và 46% lượng than nhập khẩu của EU. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã đẩy giá năng lượng vốn đã cao lên mức kỷ lục và khiến EU cố gắng cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga bằng cách tăng cường nhập khẩu từ các nước khác, nhanh chóng mở rộng năng lượng tái tạo. Theo Reuters, trong một bản dự thảo thông cáo chung hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo khối sẽ đồng ý “làm việc cùng nhau về việc mua chung khí đốt, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và hydro” trước mùa đông tới, đồng thời phối hợp các biện pháp để lấp đầy kho chứa khí đốt. Brussels cũng đang nhắm tới việc đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Joe Biden để đảm bảo nguồn cung cấp LNG bổ sung của Mỹ cho hai mùa đông tới.

Các nhà xuất khẩu Mỹ đã vận chuyển khối lượng LNG kỷ lục đến châu Âu trong 3 tháng qua, do giá đã tăng lên hơn 10 lần so với một năm trước. Châu Âu đang thu hút các thị trường toàn cầu về nguồn cung LNG và giới phân tích đã cảnh báo nhu cầu tăng vọt có thể làm tăng giá hơn nữa. Các nhà lãnh đạo cũng có thể thảo luận về yêu cầu từ Moscow rằng các nước phải trả bằng đồng rouble cho khí đốt của Nga, một động thái mà một số nhà ngoại giao EU cho rằng có thể làm suy yếu các lệnh cấm vận hiện có của EU, giải phóng tài sản của Nga một cách hiệu quả. Hiện các nước vẫn còn chia rẽ về việc có nên dừng nhập khẩu dầu khí của Nga hay không, động thái vốn đã được Mỹ thực hiện. Một lệnh cấm vận của EU sẽ cần có sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên.

Tin cùng chuyên mục