Thay van động mạch chủ và phình động mạch chủ bằng kỹ thuật mới

Chiều 15-12, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về 2 trường hợp thay van động mạch chủ và phình động mạch chủ ngực lên, nửa quai động mạch chủ qua đường mở ngực phải tối thiểu, không cần mở xương ức. Đây là kỹ thuật khó, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
Thay van động mạch chủ thông qua 1 lỗ mổ nhỏ là phương pháp tiếp cận mới, giúp bệnh nhân ít đau, ít chảy máu và làm cho cuộc mổ an toàn
Thay van động mạch chủ thông qua 1 lỗ mổ nhỏ là phương pháp tiếp cận mới, giúp bệnh nhân ít đau, ít chảy máu và làm cho cuộc mổ an toàn

Bệnh nhân đầu tiên là ông N.V.T. (67 tuổi), nhập viện trong tình  trạng hẹp van động mạch chủ, van động mạch chủ 2 mảnh, phình động mạch chủ ngực lên.

Bệnh nhân được phẫu thuật vào ngày 11-11 bằng phương pháp thay van động mạch chủ sinh học số 25, thay đoạn lên và một phần quai động mạch chủ bằng ống ghép nhân tạo số 26 qua đường mở ngực bên trái.

Bệnh nhân thứ 2 là bà N.T.N. (66 tuổi), chẩn đoán hẹp nặng van động mạch chủ, van động mạch chủ 3 mảnh, phình động mạch chủ ngực lên. Bệnh nhân được phẫu thuật vào ngày 19-11 bằng phương pháp thay van sinh học số 21, thay động mạch chủ ngực lên bằng ống ghép nhân tạo số 24.

Theo PGS-TS Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 trường hợp phẫu thuật tim bằng phương pháp mới, là tiến bộ của ngành phẫu thuật tim.

 “Chúng tôi sử dụng một đường mổ nhỏ để thay van động mạch chủ. Trong phẫu thuật tim, mổ động mạch chủ ngực rất khó, trong đó khó nhất là thay quai động mạch chủ, kỹ thuật viên phẫu thuật làm sao vừa phải bảo vệ tim vừa phải bảo vệ não trong quá trình phẫu thuật. Với việc triển khai kỹ thuật này, là sử dụng đường mổ nhỏ, ít xâm lấn ở đường mổ bên phải để triển khai một kỹ thuật khó bậc nhất trong tim mạch đó là thay quai động mạch chủ”, PGS-TS Trần Quyết Tiến thông tin.

Còn theo TS-BS Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, 2 bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ do quá trình vôi hóa. Nếu như trước đây, đường mổ kinh điển là cưa xương ức, phẫu trường rộng nhưng bệnh nhân chịu đau đớn hơn, giờ đây, ê kíp chỉ mở 1 đoạn xương ức, sau đó mổ 1 đoạn xương ức để bảo toàn xương ức, dưới sự hỗ trợ của nội soi, thay van động mạch chủ thông qua 1 lỗ mổ nhỏ. Đây là phương pháp tiếp cận mới, giúp bệnh nhân ít đau, ít chảy máu và làm cho cuộc mổ an toàn.

“Kỹ thuật mới này chúng tôi được học từ Đức, Singapore từ nhiều năm trước, đồng thời mời chuyên gia nước ngoài về chuyển giao kỹ thuật. Hiện chúng tôi đã trải qua nhiều bước tiến phẫu thuật từ cưa xương ức kinh điển đến nội soi với đường mổ nhỏ và tự tin cải tiến kỹ thuật mới, áp dụng cho bệnh nhân để cải thiện sức khỏe của bệnh nhân sau phẫu thuật”, TS-BS Nguyễn Thái An nói.

Tin cùng chuyên mục