Thay đổi tư duy quản lý để phát triển

Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do Thành ủy TPHCM vừa tổ chức, Sở Công thương TPHCM đề xuất xây dựng Đề án thí điểm mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới về đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn TP nhằm giải quyết những vấn đề hiện hữu, tạo điều kiện cho các chợ truyền thống thích ứng tốt hơn với thị trường.

Hoạt động chưa đúng tính chất

Theo số liệu của Sở Công thương, tính đến tháng 12-2018, TP có 19 HTX hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Các HTX này tham gia quản lý 31 chợ hạng II và hạng III thông qua phương thức đấu thầu, chỉ định thầu và khuyến khích HTX đầu tư xây dựng chợ.

HTX thay mặt nhà nước quản lý hoạt động các chợ, nhà nước không phải duy trì và trả lương cho bộ máy ban quản lý (BQL) chợ; đồng thời thu về khoản kinh phí khoán hàng năm từ HTX. Phần lớn HTX chợ trên địa bàn TP hoạt động theo mô hình HTX tạo việc làm với mục đích giải quyết việc làm cho các thành viên BQL cũ. Thu nhập của HTX được phân phối theo vốn góp.

Tuy đã đạt những kết quả nhất định, song mô hình này đang bộc lộ những hạn chế cần hoàn thiện. Cụ thể, HTX chợ hiện nay chưa đảm bảo hoạt động đúng với bản chất cũng như yêu cầu mong muốn và chưa đạt hiệu quả cao; được triển khai đạt ở mức thay BQL chợ cũ bằng nhóm người quản lý và chỉ quản lý cơ sở vật chất của chợ, chưa tiến tới kết nạp thương nhân làm thành viên và chưa thực hiện việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là hàng bình ổn cho thương nhân trong chợ.

Đối với thương nhân kinh doanh tại chợ, HTX vẫn là chủ thể quản lý chợ và thương nhân là chủ thể bị quản lý. Thương nhân có trách nhiệm đóng các khoản phí và lệ phí theo quy định cho HTX thay vì đóng cho BQL chợ. 

Theo đó, nhà nước thu khoản kinh phí khoán hàng năm nên việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa chợ là khoản đầu tư công từ ngân sách, HTX chỉ chịu trách nhiệm sửa chữa nhỏ. Hợp đồng khoán thu với HTX có thời hạn ngắn (từ 3 - 5 năm) nên các HTX không mạnh dạn đầu tư nâng cấp chợ cũng như định hướng phát triển kinh doanh.

Thay đổi tư duy quản lý để phát triển ảnh 1 Mua bán tại chợ An Đông. Ảnh: CAO THĂNG

Theo quy định của Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 thì “phí chợ” sẽ chuyển thành “giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ”. Giá dịch vụ này phải tính đúng, tính đủ các yếu tố đầu vào và khoản thu này mang tính chất thương mại nên việc thu và đưa vào ngân sách cần được xem xét cho phù hợp.

Trong số các yếu tố đầu vào đó sẽ phát sinh khoản “tiền thuê đất” phải trả theo giá thị trường, làm giá dịch vụ tăng đáng kể so với phí chợ trước đây. Điều này tiềm ẩn rủi ro dẫn đến xung đột lợi ích giữa thương nhân kinh doanh tại chợ với chủ thể quản lý chợ cũng như tạo áp lực cho các cơ quan quản lý nhà nước. 

Từ ngày 17-7-2017, Chính phủ ban hành Quyết định số 31 về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, trong đó “quản lý chợ” là một trong các lĩnh vực yêu cầu phải thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định.

Nhiều điểm ưu việt 

Nhằm củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn TPHCM, Sở Công thương đề xuất xây dựng Đề án thí điểm mô hình HTX quản lý chợ kiểu mới trên cơ sở hoàn thiện một số điểm hạn chế của HTX chợ hiện nay. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, mô hình HTX quản lý chợ kiểu mới hướng đến vận động, kết nạp thương nhân có điểm kinh doanh tại chợ làm thành viên theo nguyên tắc tự nguyện và được xây dựng đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật (trong đó Luật HTX năm 2012 là nòng cốt). Theo Luật HTX năm 2012, HTX chợ hoạt động như một doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ cho thành viên, còn việc kinh doanh, mua bán là của thành viên (các thương nhân kinh doanh tại chợ).  

Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết thêm, đề án này sẽ thực hiện “đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng của HTX - Xây dựng các HTX kiểu mới là khâu đột phá”, thể hiện những đặc trưng cơ bản.

Thứ nhất, sở hữu kép, trong đó thương nhân kinh doanh tại chợ khi tham gia thành viên HTX vẫn sở hữu tư liệu sản xuất là sạp, kios do tự thuê hoặc được giao sử dụng và quyền được kinh doanh trên mặt bằng đó, đồng thời sở hữu một phần vốn của HTX (vốn góp khi gia nhập HTX); đóng các loại thuế, phí đóng theo quy định… để HTX thực hiện cung cấp các dịch vụ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của thành viên cũng như trích lập quỹ tái đầu tư sửa chữa, nâng cấp chợ.

Thứ hai, thị trường kép, thị trường nội bộ HTX là thị trường các dịch vụ mà HTX cung cấp cho thành viên (mua chung bán riêng, xây dựng và vận hành kho bảo quản hàng hóa, quảng cáo, giữ xe, an ninh trật tự, vệ sinh…) và thành viên phải trả tiền cho các dịch vụ này. Thị trường bên ngoài là thị trường mà các thương nhân thành viên bán sản phẩm của mình, phụ thuộc vào tình hình cung cầu và cạnh tranh thị trường.

Thứ ba, hạch toán kép, hạch toán của HTX nhìn chung phải không được lỗ hoặc lãi ít, để HTX có thể tái đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp tục cung cấp các dịch vụ cho thành viên. Hạch toán của từng thương nhân thành viên cho hoạt động kinh doanh của chính bản thân mỗi người.

Thứ tư là giám sát kép, HTX tự giám sát thông qua ban kiểm soát và đại hội thành viên. Giám sát bên ngoài là sự kiểm toán, giám sát của Liên minh HTX TP và của các cơ quan nhà nước theo quy định của Luật HTX năm 2012.

HTX chợ kiểu mới là HTX của chính những thương nhân kinh doanh tại chợ; thương nhân vừa kinh doanh vừa làm chủ HTX, có quyền tham gia ý kiến, quyết định đối với các hoạt động của HTX nhằm quản lý và giúp chợ ngày càng phát triển.

Chính những thương nhân  thành viên này khi giữ vai trò làm chủ sẽ phát huy tốt hơn trách nhiệm bảo vệ, củng cố “ngôi nhà” của mình và ra sức đóng góp, nâng cao sức cạnh tranh của chợ. Mọi hoạt động quản lý, cân đối thu chi, đầu tư nâng cấp hay lãi lỗ ở chợ sẽ do những người chủ - thương nhân cùng gánh vác.

Mô hình này tạo ra không gian mới cho chợ hoạt động, thay đổi tư duy quản lý - kinh doanh chợ và trao quyền tự chủ cho thương nhân kinh doanh tại chợ. Mặt khác, khi đã trở thành thành viên, trong trường hợp HTX có tăng giá các dịch vụ chợ thì thương nhân cũng dễ dàng chia sẻ, vì cuối cùng hiệu quả thu được của HTX cũng được phân phối lại cho thương nhân, từ đó tránh được những xung đột lợi ích giữa thương nhân kinh doanh tại chợ và đơn vị quản lý.

Theo nhận định của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đây là đề án có tính khả thi cao. Do vậy, Sở Công thương cần phối hợp với Liên minh HTX TP và các sở ngành để xây dựng và hoàn thiện đề án, trình lãnh đạo TP xem xét, phê duyệt để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất. 

Tin cùng chuyên mục