Thay đổi lối sống để phòng chống đột quỵ

Được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, đột quỵ đang là “sát thủ giấu mặt” khiến nhiều người lo lắng. Đáng nói, đột quỵ đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa với nhiều cái chết đột ngột. Các bác sĩ khuyến cáo, để tránh nguy cơ đột quỵ, người dân cần thay đổi ngay hành vi, lối sống cũng như trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân, gia đình.
Bác sĩ đang thăm khám và hướng dẫn phục hồi chức năng cho người sau đột quỵ
Bác sĩ đang thăm khám và hướng dẫn phục hồi chức năng cho người sau đột quỵ

Những cái chết không báo trước

Những ngày đầu năm 2022, một lãnh đạo huyện ở TPHCM qua đời do đột quỵ để lại sự tiếc thương cho nhiều người. Sau khi xong việc ở cơ quan, trên đường về nhà, ông bị đột quỵ. Dù được đưa ngay vào Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 để cấp cứu nhưng ông không qua khỏi. Đáng tiếc, ông mới 50 tuổi. Trước đó, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng đã qua đời vì đột quỵ khi còn khá trẻ như danh hài Chí Tài, diễn viên Anh Vũ, ca sĩ Vân Quang Long… Mới đây, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cũng bị đột quỵ nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời. Và đây chỉ là một trong hàng trăm ngàn người bị đột quỵ hàng năm tại Việt Nam.

Trên thế giới, mỗi năm ghi nhận hơn 13 triệu người đột quỵ và hậu quả dẫn đến khoảng 5,5 triệu người tử vong. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu trên toàn cầu. Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trung bình 6 người thì một người có nguy cơ đột quỵ, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên. Mặc dù vậy, những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15%. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và trung niên chiếm khoảng 1/3 các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, ở nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Còn theo TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh BV Đại học Y Dược TPHCM khuyến cáo, đột quỵ không có dấu hiệu nhận biết trước nên người bệnh không nên chủ quan mà phải chủ động trang bị kiến thức để tự bảo vệ chính mình và người thân khỏi nguy cơ đột quỵ.

Theo PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ thuộc BV Bạch Mai, hơn 1 năm qua, trung tâm đã tiếp nhận gần 4.000 bệnh nhân, trong đó có gần 2.200 ca đột quỵ (chiếm hơn 60%), gần 1.300 ca nhồi máu. Đáng lo ngại, căn bệnh nguy hiểm này đang có chiều hướng trẻ hóa. Đột quỵ não gồm hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Hầu hết đột quỵ ở người trẻ liên quan đến yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực. Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé.

Đột quỵ - phòng để không phải trị

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115 TPHCM, cho rằng, nguyên nhân khiến đột quỵ có xu hướng trẻ hóa là do lối sống. Thói quen ăn uống không lành mạnh với các loại thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ, uống bia rượu khiến mỡ máu tăng cao, gây tắc nghẽn mạch máu.

Tình trạng thừa cân và lối sống lười vận động cũng là nguyên nhân gây nên đột quỵ. Có đến 90% các cơn đột quỵ đều do nguyên nhân này. Bên cạnh đó, làm việc quá sức gây áp lực lớn lên não ở người trẻ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ. Trong môi trường sống hiện đại, giới trẻ có xu hướng theo đuổi công việc cộng với áp lực, căng thẳng khiến huyết áp tăng cao, cơ tim co bóp mạnh. Khi dòng máu chảy về não tăng đột ngột, nguy cơ hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu não hoặc xuất huyết não.

TS-BS Nguyễn Bá Thắng chỉ ra, 75% các ca đột quỵ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thừa cholesterol. Tình trạng thừa cholesterol sẽ gây ra hiện tượng tích tụ, tạo ra các mảng xơ vữa khiến mạch máu hẹp lại dẫn đến tắc nghẽn, từ đó gây thiếu máu não, dẫn đến đột quỵ. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, kiểm soát tốt tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể sẽ giúp giảm 27% nguy cơ đột quỵ. Cùng với đó là thay đổi thói quen ăn uống, hành vi, lối sống để hạn chế nguy cơ đột quỵ.

Ngoài phòng ngừa nguy cơ đột quỵ, các bác sĩ cho biết thêm, thời gian từ khi xuất hiện dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng. Đây được xem là “thời gian vàng” quyết định sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. “Thời gian vàng” trong đột quỵ não là 3 đến 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ, người bị đột quỵ thường gặp phải các tình trạng như: cảm thấy mất thăng bằng, loạng choạng, mờ hoặc mất thị lực, khuôn mặt bị mất cân đối, chảy xệ một bên mặt, cơ thể mệt mỏi, không sức lực, khó khăn trong vận động, bị liệt một bên người, giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong phát âm, nói ngọng bất thường….

Khi bắt gặp những triệu chứng trên, hãy gọi ngay cho số cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Đồng thời, bệnh nhân cần được phối hợp với chuyên khoa khác như chẩn đoán hình ảnh để can thiệp nội mạch lấy huyết khối cấp cứu, phẫu thuật thần kinh để phẫu thuật cấp cứu cho người chảy máu não, nhồi máu diện rộng.

Linh hoạt cấp cứu người bệnh đột quỵ mùa dịch

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, mùa dịch Covid-19 không chỉ riêng đột quỵ, nhiều bệnh nhân mắc bệnh khác như nhồi máu cơ tim do không được cấp cứu kịp thời đã dẫn đến nguy hiểm tính mạng và tàn phế. Nguyên nhân hầu hết là do bệnh nhân đến bệnh viện trễ, vượt quá ngưỡng thời gian điều trị vàng. Ngoài ra, tất cả BV hiện phải dồn toàn lực cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19, do vậy việc tiếp nhận các trường hợp cấp cứu nội khoa hầu như không tổ chức tốt được như trước đây. 

Để đảm bảo kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim trong trường hợp chưa thể gọi được xe cứu thương của 115, người nhà có thể sử dụng taxi hoặc xe nhà chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế một cách nhanh nhất. Nếu trước đây, bệnh nhân nhập viện phải làm xét nghiệm test nhanh, PCR trước khi chuyển lên khoa lâm sàng thì hiện nay, bệnh nhân chỉ làm test nhanh là có thể nhập viện, không yêu cầu xét nghiệm PCR. “Qua mỗi giai đoạn đặc biệt, những tình huống mà chúng ta chưa gặp bao giờ, ít nhiều sẽ có những thiếu sót, điều quan trọng chúng ta nhận ra nó và thay đổi quy trình”, PGS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục