Thay đổi để tồn tại

Gameshow, truyền hình thực tế, talkshow vẫn đang chiếm sóng giờ vàng nhiều đài truyền hình. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thói quen và nhu cầu của khán giả đã thay đổi, tạo nên sự dịch chuyển và đặt ra nhiều thách thức cho các đơn vị làm chương trình.  
Nhanh như chớp nhí mùa 3 vẫn được kỳ vọng. Ảnh: Vie Channel

Ồ ạt lên sóng

Cuối tháng 4, đầu tháng 5-2020, trên nhiều kênh truyền hình liên tiếp xuất hiện các chương trình mới hoặc đã sản xuất đến mùa 2 và 3. Chọn ai đây (tên tiếng Anh Celebrity Squares) lần đầu được mua bản quyền từ Mỹ lấy ý tưởng từ trò chơi cờ caro. Chương trình được giới thiệu quy tụ dàn nghệ sĩ đình đám tham gia với vai trò chủ trò (host), gồm: Hari Won, Huỳnh Lập, BB Trần, Jun Phạm, Lâm Vỹ Dạ, Quang Trung, Lê Dương Bảo Lâm, Puka và Hồ Quang Hiếu. 

Lúc 21 giờ 30 thứ ba hàng tuần, từ ngày 5-5, trên HTV7 là chương trình Tâm đầu ý hợp, show truyền hình dành cho các cặp đôi, vợ chồng để đo độ thấu hiểu của nhau. Chương trình đánh dấu việc lấn sân làm MC của NSƯT Đức Thịnh cùng Lâm Vỹ Dạ. 

Đầu tháng 5 có đến 3 chương trình lên sóng mùa thứ 3. Trên Vie Channel - HTV2, Vie giải trí và ứng dụng VieON có 2 chương trình. Đầu tiên là Nhanh như chớp nhí, sau 2 mùa nhận được sự yêu mến của khán giả, đại diện đơn vị phát sóng - kênh truyền hình Vie Channel - HTV2 chia sẻ, mùa 3 ra mắt với diện mạo mới, nhiều giải thưởng giá trị dành cho các bé, cùng loạt câu hỏi thú vị và thách đố, mang đến cuộc tranh tài vui nhộn, kịch tính. Thứ hai là gameshow hẹn hò mua bản quyền từ Thái Lan, Người ấy là ai mùa 3 tiếp tục có sự góp mặt của bộ đôi “lầy lội - tâm lý” Trấn Thành - Hương Giang cùng dàn khách mời đình đám, trong đó là ngôi sao giải trí xứ chùa vàng Lukkade. 

"Khi tham gia các chương trình, tôi mong muốn khán giả thấy được những khía cạnh khác của mình, không phải là ca sĩ trên sân khấu mà là những hình ảnh đời thường, gần gũi nhất và mang đến những năng lượng tích cực. Theo tôi, trong cuộc sống ai cũng phải chịu nhiều áp lực, do đó các gameshow trước hết là cách để mọi người được giải trí, thư giãn. Nếu được lựa chọn, tôi thích những chương trình cung cấp thêm nhiều kiến thức, từ những điều đơn giản trong cuộc sống cho đến câu chuyện khởi nghiệp, kinh doanh... Nó sẽ giúp mình có thêm nhiều cơ hội để học hỏi, hoàn thiện bản thân".
Ca sĩ HỒ QUANG HIẾU

Một gameshow hẹn hò khác cũng lên sóng mùa 3, trên VTV3 là Quý ông đại chiến. Năm nay, ngoài vai trò dẫn dắt chương trình được trao cho MC Thành Trung, ban bình luận gồm 4 nữ nghệ sĩ: Lâm Vỹ Dạ, Lan Ngọc, Hương Giang, Hari Won cùng nhiều khách mời nổi tiếng. Cũng trên VTV3, Sàn chiến giọng hát mùa 2 trở lại thứ bảy hàng tuần. Cuộc thi ca hát được thể hiện dưới hình thức mới: đấu giá giọng hát. Theo ban tổ chức: “Rating mùa 1 của chương trình tại khu vực Hà Nội có tuần lên đến 10.5, một con số mà khá ít gameshow truyền hình hiện nay có được”. Từ ngày 19-5, lúc 20 giờ 30 chủ nhật hàng tuần, khán giả cũng có cơ hội tái ngộ Người bí ẩn mùa 6. 

Ngoài các chương trình kể trên, giờ vàng VTV hiện có: Ông bố hoàn hảo, Ai là triệu phú, Chọn đâu cho đúng, Kèo này ai thắng... Trên sóng HTV là Giải mã kỳ tài, Gia đình thông thái, Sao hay chữ, Tâm đầu ý hợp, Thử thách lớn khôn, Bạn đời ăn ý, Kỳ tài thách đấu, Bậc thầy ẩn danh, Gương mặt điện ảnh… Trên sóng truyền hình Vĩnh Long 1 có Cặp đôi hài hước, Ca sĩ thần tượng, Vui cười cười vui, Hãy nghe tôi hát, Tình bolero, Lò võ tiếu lâm, Đấu trường âm nhạc nhí…   

Dịch chuyển

Theo NSƯT Vũ Thành Vinh, Giám đốc Khang Kmedia, các chương trình truyền hình đang có xu hướng bám sát đời sống thực tế: “Những chương trình mang tính giải trí lớn, quay ngoài trời sẽ không có nhiều vì mức đầu tư cao. Thay vào đó, các chương trình thuộc phân khúc nhỏ, quay trong phim trường dạng talkshow, không phải quy tụ đông người… được ưu tiên sản xuất”.

Đồng quan điểm đó, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS, chia sẻ: “Các show quy mô nhỏ, không nhảm nhí vẫn được ưu tiên. Thời điểm này, những chương trình lớn ít đơn vị dám làm”.

Bà Vũ Thị Bích Liên cũng nhấn mạnh, nếu trước đây có thời điểm chương trình Gương mặt thân quen từng được đầu tư số tiền 1,5 tỷ đồng/tập, thì nay một chương trình lớn mức đầu tư khoảng 500 - 700 triệu đồng/tập cho 75 phút phát sóng. Phía Công ty Mega GS từng thương thảo để mua các format đình đám nước ngoài, nhưng sau đó đành rút lui vì kinh phí sản xuất lớn.

Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, tự thân các đơn vị sản xuất cũng tìm mọi cách để làm mới chương trình. Rõ nét nhất hiện nay là tăng cường tính tương tác, vận động để tạo không khí vui vẻ. Đơn cử như trường hợp của Sàn chiến giọng hát, cũng là hình thức giành thí sinh yêu thích về đội mình, nhưng thay vì thuyết phục bằng lời nói, nó được chuyển sang hình thức đấu giá.

"Cá nhân tôi nhận thấy các gameshow hiện nay đang phát triển theo hướng mới, nghiêng về tính hài hước nhiều hơn. Hầu hết các chương trình, người chơi đa phần là nghệ sĩ. Đây cũng là điều tất yếu, bởi khán giả luôn thích xem những gameshow có người nổi tiếng. Các đơn vị sản xuất cũng có thể yên tâm hơn về lượng rating bởi các nghệ sĩ không chỉ là nhân tố thu hút mà họ luôn sẵn sàng chơi hết mình. Bên cạnh đó, việc casting người chơi hiện nay cũng là thách thức không hề nhỏ. Về mặt MC, hiện đa phần các nghệ sĩ hài, ca sĩ, diễn viên được giao vai trò dẫn dắt bởi hình thức chương trình đã quyết định điều đó. Tuy nhiên, đó cũng là áp lực không nhỏ để làm sao có thể tung hứng, phối hợp ăn ý và đặc biệt cầm trịch chương trình một cách nhạy bén, thông minh"
MC QUỐC BÌNH

Cả NSƯT Vũ Thành Vinh và bà Vũ Thị Bích Liên đều cho rằng hiện nay sở dĩ các cuộc thi về ca hát dần vắng bóng bởi nguồn lực thí sinh hạn chế, do quá nhiều chương trình cùng tổ chức một thời điểm nên không thể đáp ứng. Nhiều chương trình thi hát đình đám như Thần tượng Việt Nam, Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Cặp đôi hoàn hảo… đã phải dừng cuộc chơi. Các chương trình tìm kiếm tài năng ở nhiề

Một nhà sản xuất giấu tên khẳng định, Việt Nam là thị trường “ngốn” nhiều format. Hầu hết những chương trình đình đám lớn trên thế giới đều được mua bản quyền sản xuất nhưng cũng nhanh chóng bị đào thải. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các đơn vị sản xuất quy mô nhỏ không đủ tiền mua bản quyền đã “xào nấu” các format nước ngoài, biến thành của mình, nhưng vì không đủ tiềm lực, sự sáng tạo nên chương trình bộc lộ ngay hạn chế, sớm bị khai tử. Lại có trường hợp các công ty mới thiếu kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất nên việc “vỡ trận” là tất yếu. 

NSƯT Vũ Thành Vinh cho rằng: “Xã hội luôn biến chuyển và khán giả lúc nào cũng đòi hỏi món ăn mới, chất lượng. Nếu chương trình không hấp dẫn, không có khán giả dẫn đến rating thấp, không có quảng cáo, đơn vị sản xuất không có tiền quay vòng việc dừng lại không thể tránh khỏi. Tính sàng lọc ngày càng khắt khe và vòng đời của các chương trình đang theo xu hướng chung của xã hội”.

Tin cùng chuyên mục