Thay đổi để tồn tại

Trong khi Thái Lan đã phát triển ngành đường theo hướng hiện đại, từ việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn với cơ giới hóa trong trồng trọt và đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, thì ở nhiều nơi tại Việt Nam vẫn còn sản xuất đường theo kiểu truyền thống. 

Nhằm đảm bảo thu nhập của người trồng mía cao hơn, Thái Lan còn hỗ trợ cho nông dân thông qua các khoản trợ cấp trực tiếp, gián tiếp và hệ thống chia sẻ lợi nhuận với nhà máy. Indonesia, Philippines thì luôn chú trọng đến bảo vệ sinh kế cho người trồng mía, chỉ cho phép nhập đường ngoại tương ứng với sản lượng thiếu hụt trong nước; đường nhập khẩu chỉ được đưa vào thị trường sau khi đã kết thúc vụ chế biến và đường sản xuất từ mía trong nước đã tiêu thụ hết.

Tại cuộc họp ngành mía đường, ông Lê Trung Thành, Công ty Đường Lam Sơn, cho biết giá thành mía tại Việt Nam trong 5 năm qua luôn cao hơn 15% - 20% so với Thái Lan. Tại thời điểm này, ở nhiều nơi việc trồng cây mía vẫn manh mún và nhiều nhà máy sản xuất đường vẫn hoạt động với công suất nhỏ dưới 6.000 tấn/ngày. Để ngành mía đường phát triển, các công ty cần liên kết với nông dân đưa giống năng suất cao, đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đường; để vừa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, vừa cạnh tranh với đường ngoại nhập, góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu.

Cơ quan chức năng xác định, đường nhập lậu phần lớn là do người dân sinh sống các khu vực giáp ranh biên giới tham gia vận chuyển. Những đối tượng này không có việc làm ổn định, mỗi ngày “cửu vạn” qua biên giới để mưu sinh. Theo Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các địa phương cần tăng cường lực lượng xử lý bằng cách nắm chắc phương thức, quy luật hoạt động tập kết, vận chuyển đường kính của các chủ đầu nậu; tập trung bố trí lực lượng, phương tiện thường trực chốt chặn tại khu vực mà các đối tượng thường vận chuyển hàng lậu. Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, tạo công việc làm ăn ổn định cho người dân khu vực biên giới, để họ không tham gia tiếp tay, vận chuyển hàng lậu cho các chủ đầu nậu. 

Như vậy, có thể nói, tất cả các bên liên quan phải thay đổi cách làm; từ người trồng mía, nhà máy sản xuất đường, đến các cơ quan chức năng xây dựng chính sách hỗ trợ cho ngành đường phát triển. Có như vậy, mọi việc mới thay đổi.

Tin cùng chuyên mục