Thay đổi để phát triển

Mới đây, Bộ Công thương cho biết, một trong những lý do ban hành Nghị định 107/2018 thay thế Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo là để tháo gỡ nút thắt cho nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo thơm, gạo đồ, gạo bổ sung vi chất… 

Nhưng từ khi có Nghị định 107/2018 “mở lối”, theo thống kê của hải quan, gần như không có các mặt hàng gạo này được xuất khẩu. Chưa thể khẳng định là không làm được, nhưng có thể nói DN chưa biết tận dụng cơ hội được mở ra này. Có thể nói, Nghị định 107/2018 ra đời gần như đã cởi trói cho DN tự do kinh doanh xuất khẩu gạo.

DN không còn phải đăng ký hợp đồng qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), mà chỉ làm tờ khai hải quan. Đến cuối tháng, các DN xuất khẩu gạo chỉ phải có trách nhiệm báo cáo với Bộ Công thương số lượng gạo đã ký kết hợp đồng và số lượng đã thực hiện. Nhưng đến nay, rất ít DN báo cáo định kỳ lên Bộ Công thương. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, khi thị trường khó khăn, DN và địa phương đều yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có vai trò dẫn dắt, dự báo thị trường; nhưng nếu không nắm rõ DN ký bao nhiêu hợp đồng, số lượng ra sao, giá cả thế nào, thì làm sao Nhà nước làm tốt vai trò dự báo hay dẫn dắt? Một khi nội dung đầu vào không có, làm sao có thể cung cấp thông tin đầu ra?

Vì vậy, khi Nhà nước “mở trói”, DN phải càng ý thức hơn đến trách nhiệm và nghĩa vụ. Muốn xuất khẩu gạo được tốt, ngoài những quy định về khung pháp lý, thì thị trường và hiệu quả hoạt động của DN là những yếu tố chính. Hơn nữa, với đặc thù là sản phẩm nông nghiệp (khác công nghiệp), việc DN liên kết với nông dân là yếu tố cơ bản. Trong liên kết bao gồm cả yếu tố cung và cầu (ở đây, cầu là thị trường nước ngoài), bởi liên kết gì đi nữa thì điều quyết định sự thành bại vẫn là đầu ra. Rất tiếc hiện nay DN chưa quan tâm đúng mức đến việc này.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung Nam (TP Cần Thơ), cho rằng tìm giải pháp xuất khẩu gạo không thể chỉ cần vài tháng hay một năm. Cách duy nhất là thực hiện cho được mô hình liên kết sản xuất giữa DN và nông dân. Nếu không sẽ luôn bị động trước thị trường, có cơ hội cũng khó nắm bắt.

Ví dụ như việc Trung Quốc - thị trường nhập khẩu truyền thống và lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua - đã và đang siết chặt hàng rào kỹ thuật về chất lượng hạt gạo. Đây là điều tất yếu với xu thế về an toàn thực phẩm. Các DN Việt phải thay đổi để nắm bắt được xu thế này. Rất tiếc, đã không có nhiều DN làm được điều này; trong khi đó là yêu cầu, ai cũng phải làm như vậy. Do đó, Trung Quốc loại bớt DN Việt xuất khẩu gạo vào thị trường này là điều không tránh khỏi. Thực tế, Thái lan vẫn xuất khẩu 10 triệu tấn gạo/năm qua Trung Quốc. Như vậy, có thể nói, cần rà lại toàn bộ chu trình từ sản xuất cho tới xuất khẩu. 

Còn ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Intimex Group, nhận định muốn xuất khẩu thành công, DN phải có tính chuyên nghiệp và tạo được uy tín trên thị trường; phải có hệ thống khách hàng thường xuyên. Bởi một khi cầu giảm, bao giờ khách hàng cũng chỉ tìm đến nguồn cung uy tín nhất.

Tin cùng chuyên mục