Thay đổi để gia tăng thị phần nội địa

Dư địa của thị trường trong nước còn khá lớn, tuy nhiên để có thể gia tăng thị phần, doanh nghiệp (DN) Việt cần thay đổi phương thức kinh doanh, số hóa các nền tảng bán hàng cũng như đa dạng hóa sản phẩm theo thị hiếu của người tiêu dùng. 

Số hóa, nâng chất sản phẩm

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 đạt 4.789,5 ngàn tỷ đồng. Con số này cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường nội địa trong tăng trưởng kinh tế, tiêu thụ hàng Việt.

Các chuyên gia dự báo năm 2022, thị trường nội địa sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Thị trường nội địa có nhiều tiềm năng không chỉ về mặt kinh tế mà còn là điểm tựa chắc chắn, an toàn cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như gia tăng thị phần hàng hóa. 

Thực tế cho thấy, hơn 2 năm qua, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều chiến lược kinh doanh của DN Việt. Theo đó, những DN trước đây chỉ chú trọng vào xuất khẩu thì nay đã quan tâm hơn đến thị trường nội địa, với những DN có tỷ trọng hàng hóa nội địa thấp cũng đầu tư đúng mực hơn để gia tăng thị phần.

Để làm được như vậy, DN phải chấp nhận chuyển đổi bằng nhiều cách khác nhau, trọng tâm vẫn phải là sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp túi tiền. Quan trọng hơn, DN phải số hóa các nền tảng bán hàng để theo kịp nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nội địa. 

Liên quan vấn đề này, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh group chia sẻ, doanh thu thời điểm dịch của công ty tăng 40% so với trước dịch. Tất cả nhờ Phúc Sinh liên tục đa dạng hóa danh mục hàng hóa, từ đó kích thích khách hàng mua sắm. Đặc biệt, việc đầu tư mạnh cho app mua sắm đã trở thành cầu nối giúp công ty tiếp cận khách hàng, kể cả khách hàng ở vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, theo ông Thông, để có kết quả nói trên, công ty phải đa dạng hóa sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ từ vùng trồng đến chế biến thành phẩm để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Cùng với đó là sự tăng cường việc bán hàng trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Lazada... 

Thay đổi để gia tăng thị phần nội địa ảnh 1 Tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90% tại hệ thống siêu thị Co.opmart

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Lâm Viên, CEO Vinamit, kinh doanh số hóa hướng vào từng cá nhân. Do đó, DN nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng cá nhân, giá thành sản phẩm và tối ưu thời gian, phương thức, chi phí giao hàng để người tiêu dùng có thể được hưởng lợi nhiều nhất.

Chính vì thế, để tiếp cận thị trường nội địa, Vinamit đã thành lập một công ty chuyên về mảng nội địa, bán lẻ để cập nhật xu hướng kinh doanh mới, phương pháp mới, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng. Điều này giúp Vinamit có tốc độ tăng trưởng nội địa gấp 8-10 lần so với thời điểm trước dịch. 

Tăng cường liên kết doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ

Có thể thấy, thị trường nội địa với 100 triệu dân đã trở thành điểm tựa vững chắc cho DN, nhất là các DN hàng tiêu dùng trong hơn 2 năm đại dịch. Tuy nhiên trong giai đoạn tới, để thị trường nội địa tiếp tục là điểm tựa an toàn cho DN, rất cần sự vào cuộc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm mạnh mẽ, đồng thời cần sự chung tay hỗ trợ từ các kênh bán lẻ hiện đại. Bởi khi có sự “bắt tay” chặt hơn giữ nhà sản xuất với DN bán lẻ sẽ giúp tạo nguồn hàng sản xuất trong nước có giá cạnh tranh, chất lượng để thỏa mãn nhu cầu mua sắm đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Điển hình cho sự liên kết chặt chẽ giữa nhà bán lẻ với DN sản xuất có thể kể tới Saigon Co.op. Kể từ khi thành lập đến nay, nhà bán lẻ này luôn đồng hành cùng các DN Việt, thể hiện rõ rệt qua các chính sách thu mua, ưu tiên quầy kệ, vị trí cho sản phẩm của DN trong hệ thống bán lẻ Saigon Co.op.

Theo đó, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối của Saigon Co.op đạt hơn 90% và trung bình một siêu thị Co.opmart kinh doanh hơn 30.000 mặt hàng, bình quân mỗi tháng, Saigon Co.op đưa gần 2.000 mặt hàng mới lên kệ. Qua kênh bán lẻ của Saigon Co.op, hàng ngàn nhà cung cấp Việt như Vissan, Ba Huân, San Hà, Vinacafe, Vinamilk… đã tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn, từ đó gia tăng doanh thu và củng cố thị phần vững chắc ở nội địa. 

Trong năm 2022, lãnh đạo Saigon Co.op khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại hình thương mại hiện đại, kênh phân phối tiên tiến để tiêu thụ hàng Việt, đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Tiếp tục ưu tiên cho hàng Việt trong các hệ thống bán lẻ như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food...

Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động từ giá xăng dầu, nhà bán lẻ này đang phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp để kiềm giá hàng hóa nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.

Để hỗ trợ kịp thời DN khai thác thị trường trong nước, Bộ Công thương vừa công bố quyết định số 281/QĐ-BCT, ban hành kế hoạch tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022.

Theo đó, sẽ tập trung vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp để phát triển thị trường trong nước, kịp thời có giải pháp ứng phó, bảo đảm nguồn cung hàng hóa Việt Nam thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu Việt Nam phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước; tăng cường quảng bá, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nội địa.

Tin cùng chuyên mục