Thắt hay mở?

Câu chuyện hàng loạt phim kinh dị bị cấm chiếu trong thời gian qua tiếp tục đặt câu hỏi về công tác kiểm duyệt phim. Làm sao để vẹn cả đôi đường và thực sự khách quan, công bằng với tất cả các bộ phim.

Một nhà phát hành phim tại Việt Nam cách đây không lâu phát đi thông cáo báo chí có tựa đề “Điểm danh những bộ phim kinh dị đã bị “khai tử” trước khi được công chiếu từ đầu năm nay”. Trong danh sách này có những tác phẩm được khá đông người hâm mộ trong nước chờ đợi: 0.0MHz (Tần số chết), St Agatha (Tu viện kinh hoàng), Pet Sematary (Nghĩa địa ma quái), Brightburn (Đứa con của bóng tối)… Lý do là các phim này đều không vượt qua được các bước kiểm duyệt nghiêm ngặt, bởi: nội dung bạo lực; truyền bá mê tín, dị đoan; không phù hợp thuần phong mỹ tục người Việt...

Trước đó, một phim kinh dị là Thiên linh cái cũng nhiều lần dời lịch phát hành. Dù thông báo từ phía nhà phát hành cho rằng việc hoãn chiếu nhằm “đạt được chất lượng tốt nhất đặc biệt về phần kỹ xảo và âm thanh”, nhưng lý do thực chất ai cũng hiểu nó nằm ở câu chuyện kiểm duyệt.

Cũng liên quan đến phương diện này, câu chuyện về phim Vợ ba dù đã hạ nhiệt phần nào nhưng vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Được duyệt cả về kịch bản và bản phim chính thức nhưng cuối cùng ê kip đành phải rút phim khỏi hệ thống các rạp chiếu và chấp nhận bị phạt 50 triệu đồng với lý do “phim chiếu rạp khác bản được duyệt”.

Từ ngày 1-1-2017, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã thông qua bản tiêu chí phân loại phim, với 4 mức: phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng (P); phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi (C13), phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi (C16); phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 18 tuổi (C18). Về mặt tích cực, nhiều bộ phim được gắn mác C18 đã được ra rạp, phần nào làm giảm bớt thiệt hại cho các nhà sản xuất cũng như tạo cơ hội cho khán giả được thưởng thức tác phẩm trọn vẹn hơn.

Tuy nhiên, liên quan đến công tác kiểm duyệt, ngay cả khi có quy định phân loại phim mới này vẫn còn rất nhiều lỗ hổng và cả sự thiếu công bằng, khách quan đối với các phim nội và ngoại. Nhiều khái niệm: không chấp nhận những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục; chấp nhận một số từ chửi thề, tiếng lóng của nhân vật phản diện nhưng không được sử dụng thường xuyên; không làm tổn thương đến cá nhân và cộng đồng; không có hình xăm phản cảm… được đưa ra, nhưng còn chung chung, chưa giải thích cặn kẽ, chi tiết. Điều này vừa là rào cản hạn chế các nhà sản xuất phim, và cũng từ sự không rõ ràng nên đó là cơ hội để lách luật.

Trên thực tế, không ít bộ phim trong nước có những cảnh quay được đầu tư hàng tỷ đồng, đến khi ra rạp đã bị cắt không thương tiếc chỉ vì “không phù hợp”, nhưng để biện giải cho luận điểm đó, không có luận cứ, luận chứng nào thuyết phục. Vậy nên, cả phim nội hay ngoại, để được ra rạp không ít phim đành chấp nhận không còn là chỉnh thể nguyên vẹn so với bản gốc và nhiều trường hợp khiến khán giả hụt hẫng vì sự rời rạc, chắp vá.

Đạo diễn Lê Văn Kiệt - người từng có đến 2 tác phẩm không qua được ải kiểm duyệt, cho rằng kiểm duyệt phim là điều tất yếu và ở đâu cũng có, nhưng mỗi nước có quy định riêng. Việt Nam chắc chắn không thể loại bỏ khâu kiểm duyệt, nhưng nói như TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nó cần sự thông thoáng hơn. Quy định kiểm duyệt cũng đến lúc không thể mơ hồ, không thể có mà như không. Bên cạnh đó, hiện tại nhiều phim đã được kiểm duyệt từ khâu kịch bản cho đến bản phim chính thức rất kỹ lưỡng nhưng khi mắc lỗi, ai là người đứng ra chịu trách nhiệm? Liệu có nên chăng đổ hết tất cả cho nhà sản xuất? Nhiều trường hợp đã gây tranh cãi trong dư luận như trường hợp phim Vợ ba, hay trước đây là Điệp vụ biển đỏ, vai trò của “người gác cổng” là Hội đồng duyệt phim quốc gia sẽ được xem xét như thế nào?

Không ít tình huống rơi vào thế “mất bò” nhưng chưa chắc lo làm chuồng. Và thôi đành, vì cho rằng “nhạy cảm”, nên cứ cấm là thượng sách. 

Tin cùng chuyên mục