Thắt chặt kỷ cương hành chính để chống sách nhiễu doanh nghiệp

Ngày 31-8, HĐND TPHCM tổ chức hội nghị tiếp xúc và đối thoại doanh nghiệp TPHCM năm 2022. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ. 
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Doanh nghiệp “khát vốn”

Hội nghị thu hút sự tham dự của 240 doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề, khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Khu Công nghệ cao TPHCM. Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá, đại dịch Covid-19 kéo dài đã “bào mòn” nội lực phát triển kinh tế của thành phố, kéo tăng trưởng xuống mức âm. Điều này đặt ra những thách thức rất lớn cho chính quyền cũng như doanh nghiệp khi bắt đầu tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế. Điều đặc biệt ý nghĩa là qua 8 tháng đầu năm 2022, TPHCM đã bước đầu tạo nên những kỳ tích đáng ghi nhận.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi chia sẻ, trong dịch bệnh, doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm là một trong số ít ngành chủ lực cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Doanh nghiệp gần như không có lợi nhuận, thậm chí bị lỗ nhưng vẫn hoạt động để giữ nhịp cung ứng hàng hóa. Ngay thời điểm bắt đầu tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế, các doanh nghiệp lại gặp khó khăn khi giá nguyên liệu, xăng dầu tăng mạnh. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố với các giải pháp như tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối liên vùng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng, tính chung 8 tháng đầu năm nay, ngành chế biến lương thực thực phẩm đã đạt mức tăng trưởng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021.  

Tuy vậy, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, việc duy trì nội lực để đảm bảo doanh nghiệp tái phục hồi, phát triển bền vững mới là vấn đề thành phố cần quan tâm. Hầu hết doanh nghiệp đang cần vốn cho việc nhập nguyên vật liệu chuẩn bị nguồn cung hàng Tết Nguyên đán. Hiện đa số doanh nghiệp cần nguồn vốn vay ở mức 50%/tổng vốn đầu tư để duy trì nguồn vốn lưu động. Ngoài ra, những gói chính sách hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất 2% vẫn chưa đến tay doanh nghiệp. 

Rối với thủ tục hành chính

Ghi nhận từ hơn 10 ý kiến trực tiếp tại hội nghị cũng như hơn 30 ý kiến gửi đến thông qua kênh thông tin khảo sát của HĐND TPHCM, vấn đề doanh nghiệp bức xúc nhất vẫn là về thủ tục hành chính. 

Với nhóm có vốn đầu tư nước ngoài, vấn đề thủ tục hành chính đang là nỗi lo của doanh nghiệp. Bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Khu Công nghệ cao TPHCM, Giám đốc Đối ngoại của Intel Việt Nam, phản ánh, thủ tục hành chính kéo dài, phải qua nhiều quy trình, nhiều cơ quan khác nhau, dẫn tới mất thời gian, tăng chi phí gián tiếp. Đơn cử, trong việc điều chỉnh phê duyệt quy hoạch, do nhiều quy định pháp luật gần đây bị thay đổi theo hướng đi ngược - từ “một cửa” trở lại cơ chế “nhiều cửa” - gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không nhận được hướng dẫn thủ tục rõ ràng và đầy đủ dẫn đến tình trạng phải... chạy theo ý kiến và yêu cầu của các cơ quan liên đới, làm mất nhiều thời gian, hồ sơ và trình tự bổ sung. Thực tế, thời gian qua có tình trạng doanh nghiệp đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể, nhưng khi doanh nghiệp có nhu cầu và đề xuất điều chỉnh cục bộ thì vẫn mất khoảng 2 năm mới xong, trong khi quy định thông thường cho thủ tục này chỉ là 3-6 tháng. 

Liên quan đến chính sách thuế, phí, đại diện Công ty TNHH Sacom-Chíp Sáng (SCS) cho biết, công ty được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2010, trong đó nêu rõ doanh nghiệp được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng 12 năm trôi qua SCS không được hưởng ưu đãi này.

Cấp thiết chuyển đổi số và hành chính công trực tuyến

Trước những ý kiến tâm huyết của các doanh nghiệp, các đồng chí lãnh đạo TPHCM đã cam kết nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tháo gỡ, khắc phục. Về trách nhiệm của HĐND TPHCM, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho biết, đã trực tiếp giao tổ thư ký tiếp nhận tất cả ý kiến của các doanh nghiệp chưa có thời gian phát biểu tại hội nghị để cùng UBND TPHCM giải quyết thỏa đáng. 

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, trước ngày 10-9, thành phố sẽ có văn bản trả lời từng doanh nghiệp; thành phố coi đây là những đòi hỏi cấp thiết và cũng là cơ hội để cải thiện mình. Đồng chí nhấn mạnh, TPHCM sẽ nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như xây dựng nền tảng dữ liệu số kết hợp ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, thiết lập cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4... để minh bạch quy trình xử lý hồ sơ, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian làm hồ sơ.

Dự kiến tháng 10-2022, TPHCM ra mắt nền tảng công nghệ cho phép theo dõi phản ánh của người dân và doanh nghiệp. Thông qua nền tảng số này, việc xử lý chậm trễ quy trình hồ sơ cũng được xác định rõ hơn đối với từng cơ quan, đơn vị và làm cơ sở để thành phố xem xét, xử lý trách nhiệm đúng hơn với những người đứng đầu cơ quan công quyền. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ chia sẻ với những bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp. Theo đồng chí, vấn nạn thủ tục hành chính hành doanh nghiệp đã được phản ánh rất nhiều nhưng đến nay vẫn nóng. Điều này cho thấy việc cải cách thủ tục hành chính, dù thành phố đã nỗ lực thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, song song với nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, thành phố cần thắt chặt kỷ cương hành chính để chống hành vi sách nhiễu doanh nghiệp. UBND TPHCM không chỉ phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc của doanh nghiệp mà còn phải truy xét trách nhiệm của từng ngành, từng lãnh đạo cụ thể về việc chậm trễ trong xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp để có giải pháp xử lý hiệu quả hơn trong thời gian tới. 

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề nghị HĐND TPHCM tăng cường hoạt động giám sát hiệu quả cải cách thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành. Hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò kết nối doanh nghiệp để tổng hợp những khó khăn vướng mắc, kiến nghị cơ quan chức năng kịp thời giải quyết. “Mỗi tổ chức, từng cấp, từng cơ quan thực hiện tốt sứ mệnh của mình thì mới tạo chuyển biến tốt, giá trị mới trên từng lĩnh vực cụ thể”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Võ Minh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép tiếp tục nới room cho các ngân hàng trên địa bàn thành phố thêm 450.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục