Thắt chặt an toàn trường học

Sự việc cây phượng đổ do bật gốc ở sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3) khiến một học sinh tử vong, nhiều em khác bị thương xảy ra sáng 26-5 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn trường học. Trước đó một ngày, tại TP Hải Dương, một nam sinh lớp 9 trong lúc cắt tỉa cây theo yêu cầu của giáo viên đã bất ngờ bị cành cây gãy chạm vào đường dây điện cao thế dẫn đến điện giật, tử vong tại chỗ. Lo lắng càng có cơ sở khi năm học 2019-2020, học sinh tất cả cấp học từ mầm non, tiểu học đến THCS, THPT trên địa bàn TPHCM mới bước vào tuần học thứ ba của học kỳ 2 vào thời điểm “ve đã gọi hè”, cũng là giai đoạn TPHCM và nhiều tỉnh thành phía Nam bước vào giai đoạn chuyển mùa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mưa bão, lốc xoáy.

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, vào đầu năm học và đầu mùa mưa hàng năm, sở đều có văn bản nhắc nhở, yêu cầu các trường học tăng cường công tác an toàn, đồng thời xây dựng các biện pháp phòng chống thiên tai và giảm thiểu tai nạn thương tích trong trường học. Sở GD-ĐT TP yêu cầu mỗi trường học phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại cơ sở, xây dựng quy chế hoạt động cũng như kế hoạch tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó cho người lao động, học sinh, sinh viên. Ban chỉ đạo gồm hiệu trưởng, cán bộ y tế trường học và một số giáo viên chủ nhiệm, được phân bổ kinh phí hàng năm cho các hoạt động phòng chống cháy nổ, bảo dưỡng hệ thống điện, nạo vét cống… Khối lượng công việc khá nhiều nhưng đa phần nhân lực đều kiêm nhiệm, chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào về chế độ, quyền lợi cũng như trách nhiệm của từng thành viên. 

Hiệu trưởng một trường cho biết, hiện nay nhiều trường trồng cây phượng và cây bàng trong khuôn viên để lấy bóng mát. Song theo các chuyên gia, đây là 2 loại cây có tuổi thọ không cao, dễ bị sâu phá hoại vào mùa mưa khiến thân cây giòn và dễ gãy, tiềm ẩn nguy cơ bật gốc khi trồng trên nền đất xốp, đặc biệt vào mùa mưa bão. Ngoài ra, theo các văn bản chỉ đạo về phòng chống tai nạn thương tích, trường học được yêu cầu rà soát hệ thống cây xanh nhưng rà soát ở mức độ nào, quy trình kết hợp với các đơn vị chăm sóc cây xanh vẫn chưa rõ ràng. Đặc biệt, đối với các trường hợp cháy nổ bình điện, cây xanh ngã đổ ngoài khuôn viên trường học ảnh hưởng rất lớn đến an toàn của học sinh nhưng quy định về trách nhiệm, sự phối hợp giữa các bên liên quan như chính quyền địa phương, lực lượng công an, cứu hỏa còn lỏng lẻo.  

Liên quan đến vụ tai nạn vừa xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng, trong buổi họp báo chiều 26-5, ông Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng nhà trường, đã thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm. Hiện tại, ông cho biết học sinh toàn trường đã được ổn định tâm lý và tiếp tục việc học. Cây phượng bị bật gốc có tuổi thọ hơn 20 năm, hàng năm nhà trường đều hợp đồng với công ty cây xanh vào tỉa nhánh và chăm sóc. Sự việc xảy ra được xem là hoàn toàn bất ngờ nhưng là bài học “xương máu” cho Trường THCS Bạch Đằng nói riêng cũng như tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn TP nói chung trong việc thắt chặt các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn tốt nhất cho học sinh. Đại diện Sở GD-ĐT TP cho rằng, đây là sự cố liên quan đến cây xanh nặng nề nhất trong trường học ở TPHCM từ trước đến nay. Sau khi xảy ra sự việc, sở đã yêu cầu tất cả trường học rà soát lại công tác an toàn trường học, đặc biệt trong mùa mưa bão và trong điều kiện năm học kéo dài như hiện nay. 

Tai nạn là rủi ro ngoài ý muốn. Vấn đề không phải cá nhân hay đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm mà quan trọng hơn hết là việc giảm thiểu nguy cơ, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho phụ huynh, đảm bảo quá trình học tập lâu dài cho học sinh. Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, tai nạn thương tích trong trường học thường tập trung ở các nhóm nguy cơ lớn gồm tai nạn giao thông, té ngã, đuối nước, bỏng/điện giật/cháy nổ, ngộ độc thực phẩm và bạo lực học đường. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, trường học cần huy động sự tham gia của tất cả thành viên trong trường, phụ huynh, học sinh, thậm chí cộng đồng dân cư nhằm phát hiện, kịp thời báo cáo các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, thiết lập hệ thống ghi chép, theo dõi, giám sát và báo cáo về xây dựng trường học an toàn, từ đó có các biện pháp phòng chống hiệu quả. 

Tin cùng chuyên mục