Thấp thỏm trái cây nhà vườn “ngậm” hóa chất

Gần đây có quá nhiều vụ thương lái sử dụng hóa chất độc hại để thúc cho trái cây chín nhanh, nhất là sầu riêng (vì bán có giá cao). 
Sầu riêng bán tràn lan nhưng khó nhận biết loại nào là chín cây Ảnh: KIẾN VĂN
Sầu riêng bán tràn lan nhưng khó nhận biết loại nào là chín cây Ảnh: KIẾN VĂN
Trong vai người đi buôn đang tìm mối các loại trái cây về bán, chúng tôi khá bất ngờ khi được bật mí cho cách làm chín trái cây chỉ trong thời gian cực ngắn.
Bí quyết bảo quản trái cây của thương lái
Các vườn sầu riêng ở tỉnh Đồng Nai đã chính thức vào vụ thu hoạch 2017. Ngoài thị trường chính là Trung Quốc, mấy năm gần đây, nông dân các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và thị xã Long Khánh… (tỉnh Đồng Nai) chủ yếu đưa sầu riêng bán cho các thương lái ở TPHCM và các tỉnh, thành miền Trung.
Dẫn chúng tôi ra vườn sầu riêng, ông Bốn Cường, nông dân xã Bảo Quang, tiết lộ: “Mọi năm trước, sầu riêng phải già, giới đi buôn trái cây mới mua. Nay trái sầu riêng trên cây mới chỉ đạt 50% ngày tuổi, họ đánh tiếng thu gom cả vườn. Bây giờ trong vườn chỉ còn một ít trái, mấy chú thông cảm cho gia đình tui nhé”. Chúng tôi thắc mắc: “Mua trái sầu riêng non trên cây như thế này thì làm sao chín được?”. Ông Bốn Cường khoác tay động viên cánh “thương lái nhập môn” chúng tôi: “Cứ cắt về dùng thuốc cho khỏe. Tui nghe cánh thương lái bảo nhau như thế”.
Chúng tôi tiếp tục về ấp Cây Da, xã Bình Lộc (thị xã Long Khánh) tìm hiểu về cây ổi xá lị cho trái 4 mùa. Gia đình ông Lê Ngọc Thanh trồng ổi xá lị đã 3 năm nay, với diện tích 3 sào (gần 500 cây). Trung bình mỗi tháng gia đình ông thu hoạch 3 đợt ổi, 1 đợt được 8 tạ, tổng cộng bán cho thương lái gần 15 triệu đồng. Ông Thanh cho biết: “Tới vụ thu hoạch ổi, thương lái trong vùng vào tận vườn nhà tôi mua hết. Chúng tôi có nghe nói trái cây tẩm thuốc để kéo dài thời gian sử dụng nhưng đó là việc của cánh lái buôn. Họ mua ổi ở các nhà vườn mang về chọn lọc trái, sau đó chuyển đến bán cho các chủ vựa. Rồi chủ vựa đem ổi bán sỉ cho các chợ đầu mối, sau đó ổi qua thêm tay bán lẻ rồi mới đến với người tiêu dùng. Quá trình này kéo dài cả tuần. Rõ ràng, thương lái phải có bí quyết bảo quản đặc biệt như thế nào đó, chứ không thì ổi cũng bị hư hỏng”. 
Bà T.T.Nga, một thương lái chuyên mua ổi ở thị xã Long Khánh cho hay, sau khi hái xuống khỏi cây thì trái ổi chỉ giữ độ cứng, giòn trong vòng 5 ngày đổ lại, sau thời gian đó, nếu không có chiêu bảo quản thì ổi sẽ héo ngay, không còn cứng giòn nữa. Theo bà Nga, phương thức bảo quản là sau khi mua ổi từ các nhà vườn, thương lái nhúng ổi vào vôi công nghiệp trong thời gian nửa giờ. Tiếp đó, ổi được vớt ra để cho khô ráo rồi chuyển đến cho các đầu mối bán sỉ. Song nếu vận chuyển ra miền Trung hay miền Bắc thì phải xử lý bằng thuốc.
Đua nhau mua… trái non
Trước đây, một số người dân ở vùng ĐBSCL hay sử dụng khí đá để ủ các loại trái cây như xoài, chuối… nhằm lợi dụng hơi nóng của khí đá để trái cây chín đồng loạt. Tuy nhiên, gần đây có nhiều thương lái sử dụng các loại thuốc “bí mật” (không nhãn mác, có xuất xứ từ Trung Quốc) để “vú ép” trái cây như sầu riêng, măng cụt, chuối, mít… chín tốc hành, để bán ra thị trường, bất kể trái cây dù còn non nhưng bề ngoài là đã chín muồi.  
Thấp thỏm trái cây nhà vườn “ngậm” hóa chất ảnh 1 Thương lái nước ngoài đến huyện Cai Lậy (Tiền Giang) mua sầu riêng
Có thể nói, Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là xã “nhà nhà” trồng sầu riêng, bởi toàn xã có hơn 5.000 hộ dân thì có đến hơn 4.500 hộ trồng sầu riêng, với diện tích trên 1.500ha. Cái lạ là khi đến đây, ngay trong mùa sầu riêng cho trái, nhưng nhiều vườn trống trơ, không có trái để thu hoạch. Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, cho biết: “Thời gian gần đây có rất nhiều hộ dân trong xã áp dụng chỉ cho sầu riêng ra trái mùa nghịch (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch mới thu hoạch). Nguyên nhân là do mùa nghịch giá sầu riêng sẽ cao hơn mùa thuận. Do đó, thời điểm này nhà vườn đang o bế cây sầu riêng cho tươi tốt để chuẩn bị cho vụ nghịch sắp tới”. 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi ngày, các vựa trái cây nhập hàng về (đa phần là sầu riêng chưa chín), đến khoảng 6-7 giờ sáng hôm sau, sầu riêng được đóng thùng, đưa lên xe tải rồi chuyển đi các nơi tiêu thụ. Điều đáng quan tâm là trước khi đóng thùng, số lượng sầu riêng này được “nhúng” vào một thùng nước có màu trắng đục. Qua quan sát, chất bột trắng mà các chủ vựa trái cây dùng để “nhúng” sầu riêng thường được đựng trong các bọc ni lông, không nhãn mác. Sau những lần đến các vựa trái cây tìm hiểu chất bột trắng đó là chất gì, nhưng các chủ vựa đều giấu kín, kể cả người làm công cũng không ai nói. Mà chất này, theo những người làm công mà chúng tôi lân la làm quen tiết lộ “nhỏ giọt” thì chất này sẽ làm cho trái sầu riêng chín rất nhanh, bất kể sầu riêng còn non vẫn chín. 
 Trao đổi với chúng tôi, ông Tư Th. một chủ vườn sầu riêng ở xã Tam Bình, cho biết: “Trước đây, nhà vườn phải hái trái sầu riêng rồi mới đem bán cho thương lái. Còn bây giờ, thương lái đến mua hết vườn ngay lúc sầu riêng còn non. Cụ thể, ngày trước quy trình từ sầu riêng đậu bông đến khi thu hoạch trái chín phải mất từ 100 - 110 ngày. Nay chỉ cần 70 - 80 ngày là thương lái hái trái; sau đó đem về xử lý cho trái chín để bán ra thị trường giá cao. Để cho trái non nhưng chín sớm như vậy thì thương lái phải sử dụng hóa chất một cách tinh vi; trong đó khi trái sầu riêng chín vẫn rụng cuống giống như trái chín trên cây bình thường, mà người mua không thể phân biệt được đâu là trái chín thật, đâu là trái chín giả”.
Không riêng gì sầu riêng ở xã Tam Bình, xã Ngũ Hiệp, mà một số loại trái cây khác ở ĐBSCL cũng bị thương lái lợi dụng việc dùng hóa chất để xử lý cho chín nhanh nhằm bán được giá. Điều đáng quan tâm là gần đây không chỉ thương lái trong nước, mà thương lái của Trung Quốc cũng về ĐBSCL mua trái cây, sau đó sử dụng hóa chất cho chín sớm để mang đi các nơi tiêu thụ. Ở đây cũng cần nói thêm, không riêng gì trái cây, mà các loại rau củ như đậu bắp, cà chua, cà tím… cũng bị một số thương lái xử lý hóa chất để cho trái to và đẹp trước khi đem đi các nơi tiêu thụ.

Tin cùng chuyên mục