Thấp thỏm tìm chỗ học bán trú

Năm học 2019-2020 tuy không phải năm đón nhận trẻ có “năm sinh vàng” nhưng tình trạng quá tải vẫn diễn ra ở các lớp đầu cấp. Ghi nhận chung từ các quận huyện cho thấy, nhiều trường học tiếp tục giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, chấp nhận duy trì sĩ số học sinh/lớp ở mức cao để đáp ứng đủ chỗ học cho người dân. Phụ huynh phải tìm đến các lớp bán trú tự phát với chất lượng không đảm bảo…
Học sinh Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) được nhân viên một cơ sở bán trú hướng dẫn di chuyển về cơ sở nghỉ trưa
Học sinh Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) được nhân viên một cơ sở bán trú hướng dẫn di chuyển về cơ sở nghỉ trưa

Giảm bán trú, tăng sĩ số học sinh/lớp

Cuối tuần qua, nhiều phụ huynh nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Gò Vấp) cho biết như “ngồi trên đống lửa” khi danh sách phân lớp không được công bố vào ngày 5-8 như kế hoạch trước đó, mà sẽ niêm yết sát ngày học sinh nhập học.

Theo chị Bùi Nga, phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 trường này, nhà trường thông báo ưu tiên xếp lớp bán trú đối với đối tượng là con liệt sĩ, thương binh, công an, bộ đội, giáo viên, học sinh có cha hoặc mẹ là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nếu còn chỉ tiêu bán trú mới xét thêm thứ tự hồ sơ đăng ký của phụ huynh. Tuy nhiên, việc trường niêm yết danh sách xếp lớp muộn khiến nhiều gia đình lo lắng trở tay không kịp nếu con chẳng may “rớt” nguyện vọng bán trú.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận Gò Vấp, do áp lực gia tăng dân số nên phải cắt giảm số lớp bán trú. Cá biệt, tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp), thông báo tuyển sinh ghi rõ năm học 2019-2020, trường không mở lớp học 2 buổi/ngày có dịch vụ bán trú đối với lớp 1 mới. 

Tương tự, năm học này nhiều trường tiểu học trên địa bàn các quận chịu áp lực cao về gia tăng dân số cơ học như quận 12, Bình Tân, Thủ Đức cũng “trắng” lớp bán trú. Trao đổi với chúng tôi, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, thông tin năm học này địa phương nỗ lực duy trì tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày tương đương năm ngoái, tuy nhiên mục tiêu phấn đấu có 30% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày vẫn là bài toán khó.

Tại quận Tân Phú, năm học 2019-2020 không có thêm trường tiểu học nào xây mới. Toàn quận chỉ có 4 trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với 100% học sinh lớp 1 (gồm các trường Âu Cơ, Hồ Văn Cường, Tân Hương và Tân Sơn Nhì), mục tiêu tăng tỷ lệ lớp bán trú và lớp học 2 buổi/ngày rất khó thực hiện. 

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhìn nhận mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày nhằm chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới đang gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, nhiều nơi phải duy trì sĩ số trên 50 học sinh/lớp gây ảnh hưởng công tác quản lý và đảm bảo chất lượng dạy học.

Cẩn trọng với loại hình bán trú tự phát

Nắm bắt nhu cầu của phụ huynh, từ đầu tháng 8, nhiều trung tâm dạy thêm, học thêm đã tổ chức phát tờ rơi trước cổng các trường tiểu học để giới thiệu dịch vụ giữ trẻ bán trú.

So với năm học 2018-2019, năm học này toàn thành phố tăng thêm 75.400 học sinh, trong đó hơn 15.000 học sinh không có hộ khẩu TPHCM. Tăng nhiều nhất là bậc THCS với hơn 26.400 học sinh, kế đến là tiểu học với hơn 21.700 học sinh, tập trung tại các quận 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi. Năm học 2019-2020, TPHCM dự kiến đưa vào sử dụng thêm 1.476 phòng học mới với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận 12), cho biết chị được 3 nhóm lớp mời chào với 3 mức học phí khác nhau, dao động 900.000 - 1,4 triệu đồng/tháng, có nơi còn khuyến mãi thêm 2 buổi học tiếng Anh/tuần với giáo viên bản xứ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, phụ huynh này tá hỏa vì cơ sở vật chất những nơi này đều là nhà dân được cải tạo, không có sân chơi, học sinh học tập và ăn, ngủ trong cùng không gian khép kín, giáo viên dạy học kiêm luôn nhiệm vụ dọn dẹp và nấu nướng.

Trường hợp khác, một phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 3 Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Gò Vấp), kể rằng lần theo thông tin trên tờ rơi quảng cáo, chị tìm đến nhóm bán trú - dạy kèm T.H. trên đường Phạm Văn Chiêu (phường 14 quận Gò Vấp). Tại đây, sau khi được dẫn đi tham quan cơ sở vật chất, giới thiệu thời khóa biểu và thực đơn ăn trưa của các bé, chị được nhân viên ở đây cho biết nếu số lượng học sinh đăng ký đông quá, các bé sẽ được chuyển bớt qua học ở cơ sở 1 trú đóng trên địa bàn phường 8. Tuy nhiên, phụ huynh không cần đóng thêm phí vì các bé sẽ được di chuyển bằng xe máy hoặc có nhân viên hướng dẫn… đi bộ.

Đến nay, sau nhiều lần kiến nghị UBND TPHCM ban hành hướng dẫn cấp phép đối với loại hình bán trú tự phát, nhiều quận huyện cho biết vẫn lúng túng trong việc quản lý và kiểm soát loại hình dịch vụ này.

Theo lãnh đạo một phòng GD-ĐT, nếu học sinh đến lớp bán trú để ăn, ngủ thì trách nhiệm quản lý thuộc về ngành lao động - thương binh và xã hội; liên quan đến các vấn đề nguồn nước sinh hoạt, an toàn thực phẩm thì trách nhiệm thuộc về ngành y tế; nếu tổ chức thêm các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng văn hóa, dạy kỹ năng sống thì ngành giáo dục phải có trách nhiệm. Như vậy, một cơ sở bán trú muốn đi vào hoạt động đòi hỏi phải có nhiều giấy phép. Nếu quản lý địa bàn không chặt  sẽ ảnh hưởng đến an toàn và quyền lợi của học sinh.

Tin cùng chuyên mục