Tháo nút thắt hạ tầng cho môi trường

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cùng với các đơn vị liên quan phải có giải pháp xử lý hiệu quả chất thải rắn. Hiện trên cả nước phát sinh khoảng 12 triệu tấn chất thải rắn/năm. 90% trong số đó được xử lý bằng biện pháp lạc hậu là chôn lấp. Điều này đang gây ra những hệ lụy rất lớn cho môi trường. 
Một bãi chôn lấp rác tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Một bãi chôn lấp rác tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Cạn kiệt quỹ đất chôn lấp rác

Phân tích về tình hình thu gom và xử lý chất thải rắn tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm, lượng rác thải trên cả nước phát sinh hơn 12 triệu tấn. Con số này sẽ tăng thêm khoảng 10%-16% mỗi năm. Tỷ lệ này tăng mạnh tại các tỉnh thành lớn như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Hải Phòng… - nơi có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh. 

Trong những năm qua, việc đổi mới công nghệ đầu tư xử lý chất thải rắn được Chính phủ, bộ ngành quan tâm triển khai xuống các địa phương nhưng tình trạng chôn lấp rác thải vẫn rất phổ biến. Hiện cả nước có hơn 660 bãi chôn lấp rác với quy mô lớn. Phần lớn trong số bãi chôn lấp không đảm bảo điều kiện an toàn, hợp vệ sinh. Cụ thể như không có lớp lót HDPE chống thấm, không được phun xịt khử mùi thường xuyên và nghiêm trọng hơn là không đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác. Ngay cả những bãi chôn lấp rác dù được xem là hợp vệ sinh vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm thứ cấp. 

Đơn cử, tại TPHCM có đến 90% lượng rác thải thu gom được vẫn phải xử lý bằng công nghệ chôn lấp. 10% trong tổng lượng rác thải còn lại được xử lý thành phân compost và đốt. Tình trạng này gia tăng sức ép rất lớn lên quỹ đất. Mặt khác, việc chôn lấp rác dù đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn thường xuyên phát sinh mùi hôi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân. 

Không chỉ vậy, hiện tổng lượng rác thu gom chỉ chiếm hơn 85% tổng lượng rác thải. Số còn lại bị phát tán bừa bãi ra môi trường. Tình trạng này phổ biến nhiều ở các khu vực nông thôn và số ít các tỉnh, thành. Thể hiện rõ nhất là các bãi rác lộ thiên, tự phát và rác thải ngập hệ thống kênh rạch, ao hồ, sông biển…  

Trong bối cảnh diện tích đất ngày càng thu hẹp, nhất là tại các tỉnh, thành phố, thì quỹ đất phục vụ cho hoạt động chôn lấp rác có nguy cơ không còn. Do vậy, tăng tỷ lệ rác tái chế, giảm thiểu tối đa lượng rác thải chôn lấp là giải pháp cấp bách hiện nay. 

Cấp thiết cải tạo công nghệ xử lý rác

Tại cuộc họp bàn về giải pháp tăng tỷ lệ rác thải nhựa tái chế cho sản phẩm nhựa xuất khẩu, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho rằng hạ tầng thu gom và phân loại rác thải còn quá kém, dẫn đến lượng lớn rác thải vốn là nguồn nguyên liệu tái chế cho nhiều ngành sản xuất nói chung và ngành nhựa nói riêng không được tận dụng. Ngược lại phải chôn lấp vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí nguồn tài nguyên rác.

Để giải quyết vấn đề này, về phía Bộ TN-MT đề nghị các tỉnh thành cần nhanh chóng triển khai hiệu quả hoạt động phân loại rác thải tại nguồn. Đây là cơ sở cần thiết để tăng tỷ lệ rác thải tái chế, giảm thiểu tối đa rác thải chôn lấp. Kinh nghiệm xử lý rác thải tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, rác thải phải được phân loại ít nhất thành 3 loại là rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ tái chế và rác thải còn lại không thể tái chế. Về lâu dài, rác thải nên phân chia thành 5 loại nếu ngành sản xuất tái chế rác thải và ý thức cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường được nâng cao hơn. 

Thế nhưng, phải thấy rằng việc triển khai vấn đề này tại nhiều địa phương còn rất nhiều bất cập. Ở góc độ khác, các chuyên gia cho rằng, sở dĩ công tác phân loại rác thải tại nguồn triển khai không hiệu quả là do thiếu sự đồng bộ trong hạ tầng thu gom rác thải. Thống kê của Bộ TN-MT cho thấy, hầu hết các đơn vị thu gom rác thải có cơ sở vật chất, trang thiết bị thu gom hạn chế, lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu thu gom rác theo phân loại. Riêng tại TPHCM, việc thu gom rác thải phân tán cho quá nhiều đơn vị, bao gồm hơn 20 đơn vị thu gom rác công lập và lực lượng thu gom rác dân lập. Hơn nữa, vốn đầu tư cho trang thiết bị thu gom rác đúng chuẩn theo rác thải đã phân loại cũng bị hạn chế, manh mún nên hiệu quả thực hiện rất thấp. 

Cũng theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tính đến nay cả nước có khoảng 40 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung, với công suất xử lý theo thiết kế khoảng 7.500 tấn/ngày. Số lượng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt có khoảng 50 lò đốt, với công suất xử lý dưới 500kg/giờ. Còn lại rác thải vẫn phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Trước vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện rà soát lại tổng thể hiện trạng rác thải phát sinh, năng lực các đơn vị thu gom và xử lý rác thải. Cần thiết gấp rút cải thiện năng lực của các đơn vị thu gom, xử lý rác thải theo hướng tăng cường công nghệ hiện đại, loại trừ dần trang thiết bị, công nghệ thu gom xử lý đã lạc hậu, đáp ứng nhanh yêu cầu cải thiện chất lượng môi trường trong thời gian tới.

Tại TPHCM, công tác phân loại rác tại nguồn thực hiện từ năm 2006, nhưng cho đến nay ngoại trừ quận Tân Phú đã thực hiện thành công các quận khác chưa thể triển khai được. Tương tự, tại các tỉnh thành khác, hoạt động phân loại rác tại nguồn chỉ dừng lại ở phong trào tuyên truyền. Hiệu quả thực hiện gần như bỏ ngỏ nên cũng chưa thể tính là đã thực hiện được.

Tin cùng chuyên mục