Thảo luận dự án Luật Hỗ trợ DNNVV: Quy định chung chung, thiếu khả thi

Trong khi nhiều ĐBQH cho rằng dự Luật Hỗ trợ DNNVV có nhiều điều khoản hỗ trợ khá chung chung, thì Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định nếu Luật Hỗ trợ DNNVV quy định cụ thể thì sẽ mất đi tính... ổn định.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
 Đánh giá cao về sự cần thiết của dự án luật, nhưng nhiều ĐBQH cho rằng, dự luật có nhiều điều khoản hỗ trợ khá chung chung, luật khung nên áp dụng thực tiễn là khó khăn và có thể sẽ quay trở lại thực tế đang diễn ra hiện nay.

Nhiều băn khoăn, chồng chéo

Băn khoăn về tính khả thi của dự luật, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, các quy định quá chung chung, 36 điều nhưng hầu như không có điều khoản cụ thể. Dù dự thảo thiết kế theo hướng những nội dung hỗ trợ DN mà các luật khác đã quy định hoặc dẫn chiếu để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật nhưng “như vậy luật này có cần thiết?”. Ví dụ như hỗ trợ miễn, giảm thuế lại phải chờ sửa luật liên quan về thuế thì lại thành ra chưa hỗ trợ. Để hỗ trợ DNNVV tốt nhất, theo ĐB Hoàng Quang Hàm, là phải cải cách bộ máy tổ chức để phục vụ DN; cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thành lập DN, tiếp cận tín dụng để giảm chi phí cho DN… 

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) chia sẻ: “Điều 10 quy định DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN về thuế thu nhập DN là cần cân nhắc, vì không thể áp dụng được do luật về thuế thu nhập DN đã quy định cụ thể mức thuế suất. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo nên quy định mức thuế suất áp dụng cho DNNVV bằng 85% - 90% mức thấp nhất của thuế thu nhập DN”.

Cũng đồng tình với việc dự luật quy định hỗ trợ chung chung, chỉ mang tính khuyến khích, khó khả thi, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, nếu quy định như vậy, sẽ khó xác định cụ thể DNNVV được hỗ trợ gì, ra sao, đơn vị hỗ trợ. Chẳng hạn như Điều 9 quy định việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm, chứng từ có giá, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, xếp hạng tín nhiệm của DN. Theo ĐB Hà Sỹ Đồng, quy định như vậy không khác gì yêu cầu về hoạt động cho vay giữa DN với các tổ chức tín dụng hiện nay. Thậm chí còn làm khó cho DN vì thêm thủ tục, thời gian mà cũng không biết có được hỗ trợ hay không. ĐB Hà Sỹ Đồng, Mai Hồng Hải (Hải Phòng) đề nghị bỏ quy định điều kiện về tài sản đảm bảo, chứng từ có giá để đáp ứng được yêu cầu bảo lãnh tín dụng. Bởi lẽ, nếu đáp ứng được các điều kiện đó thì DN đã vay ngân hàng mà không cần phải quỹ bảo lãnh. Mặt khác, Luật Các tổ chức tín dụng cũng không bắt buộc tổ chức tín dụng trong mọi trường hợp đều yêu cầu DN đi vay phải đáp ứng điều kiện về tài sản đảm bảo.

Theo ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng), chính sách mà dự luật đưa ra chung chung, thiếu cụ thể DN được hỗ trợ ra sao mà còn phụ thuộc vào các văn bản hướng dẫn liên quan. Hiện, việc “ban hành luật này đã muộn, vì vậy, nên xem xét nội dung nào quy định cụ thể thì nêu ra để có thể áp dụng được ngay”. ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, để DNNVV tốt hơn thì các gói thầu mua sắm công cần phân loại quy mô cho phù hợp và tổ chức đấu thầu công khai để DNNVV có thể tham gia.

Tránh lợi dụng chính sách để nhận hỗ trợ

Điểm quan trọng được nhiều ĐB đề cập khi thảo luận về dự thảo này là làm sao luật ban hành ngăn ngừa được việc DN “không chịu lớn” tiếp tục được nhận ưu đãi. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, dù số lượng DN mới tăng mạnh nhưng chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ tăng; DN còn thiếu cạnh tranh, tính liên kết; quy mô DN, năng lực sản xuất còn hạn chế… Vì thế, Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) kỳ vọng dự luật khi ban hành sẽ nâng cao sức cạnh tranh của DN. Tuy nhiên, ĐB này cũng băn khoăn, dự luật phải thiết kế, quy định tránh tạo tiền đề để DN chỉ duy trì mức độ nhỏ, siêu nhỏ để được ưu đãi, thậm chí lập DN ra để nhận hỗ trợ. Mặt khác, chính sách hỗ trợ là đặc thù, trong khi DNNVV chiếm phần lớn trong cơ cấu DN nên nếu áp dụng ưu đãi đại trà sẽ mất đi ý nghĩa chính sách hỗ trợ. 

Đồng quan điểm, ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ cần ưu tiên những DN mà hoạt động kinh doanh năm tiếp theo có sự phát triển so với năm trước về quy mô, lao động… tránh tình trạng DN chỉ phát triển ở mức độ giới hạn để nhận được hỗ trợ. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang), cần quy định rõ nghĩa vụ hoàn trả của DN nếu trục lợi theo quy định của các luật hình sự, xử lý vi phạm hành chính… để có căn cứ xử lý. “Quy định này sẽ tránh, ngăn ngừa DN lợi dụng chính sách hỗ trợ hoặc mãi mãi muốn nhỏ mà không muốn lớn” -  ĐB Nguyễn Ngọc Hải nói.

Báo cáo làm rõ thêm về dự án luật này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu Luật Hỗ trợ DNNVV quy định cụ thể thì sẽ mất đi tính ổn định, do đó, cách tiếp cận là luật khung để Chính phủ linh hoạt trong quy định từng thời kỳ. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu dự luật được thông qua thì bộ sẽ trình Chính phủ ban hành 4 nghị định kèm theo để đảm bảo khi luật ra đời sẽ được áp dụng trong thời gian ngắn nhất. Giải thích về việc không quy định mức cụ thể ưu đãi thuế suất mà chỉ đưa nguyên tắc chung là thấp hơn thuế suất phổ thông, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ kiến nghị sửa các luật về thuế thu nhập DN sớm và trong đó sẽ bổ sung đối tượng được hỗ trợ là DNNVV.

Tin cùng chuyên mục