Tháo gỡ xung đột giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ

Sự xung đột giữa 2 loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ này đang ngày càng trở nên căng thẳng nếu không tháo gỡ kịp thời hậu quả sẽ rất khó lường.
Chỉ sau 17 tháng hoạt động thí điểm, số lượng xe Grab và Uber đã gần gấp rưỡi số lượng xe mà ngành taxi Việt Nam đã có được trong suốt 30 năm. Một taxi Uber đón khách. Ảnh: THÀNH TRÍ
Chỉ sau 17 tháng hoạt động thí điểm, số lượng xe Grab và Uber đã gần gấp rưỡi số lượng xe mà ngành taxi Việt Nam đã có được trong suốt 30 năm. Một taxi Uber đón khách. Ảnh: THÀNH TRÍ
Thông tin từ hội nghị đối thoại về vận tải khách bằng xe taxi thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử do Bộ GTVT tổ chức ngày 28-6 cho biết, TPHCM hiện có trên 22.000 xe và Hà Nội có trên 7.000 xe thí điểm ứng dụng hợp đồng vận tải, vượt quá quy hoạch về lượng xe của thành phố.
Tại hội nghị, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, đã đặt ra hàng loạt nghi vấn muốn làm rõ bản chất của Uber và Grab đang kinh doanh ở Việt Nam. Trong đó, băn khoăn lớn nhất là tại sao gọi là thí điểm, tại sao số lượng xe lại không có điểm dừng và phát triển vô tận, dẫn đến quy hoạch số lượng xe dễ dàng bị phá vỡ, gây ùn tắc và tai nạn giao thông tất yếu xảy ra…
Đồng quan điểm với ông Tạ Long Hỷ, ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng ban thư ký Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đặt câu hỏi, chỉ sau 17 tháng hoạt động thí điểm, số lượng xe Grab và Uber đã gần gấp rưỡi số lượng xe mà ngành taxi Việt Nam đã có được trong suốt 30 năm qua thì ảnh hưởng như thế nào đến quy hoạch và hạ tầng giao thông? Đặc biệt, đại diện các hãng taxi truyền thống đều cho rằng, đang có một sự cạnh tranh không lành mạnh giữa 2 loại hình này. Phân tích về giá, giá cước  hiện không có sự chênh lệch và thấp hơn hãng taxi nhưng Grab và Uber rẻ hơn vì có nhiều chương trình khuyến mãi chuyến đi. Và điều lo ngại là Grab và Uber không giảm giá, khi các doanh nghiệp taxi chết dần thì sẽ đẩy giá cước cao lên. Giá mà người tiêu dùng đang hưởng là khoản lỗ của các đơn vị này trong vòng 1 năm vừa qua. Các hãng taxi truyền thống không chỉ đương đầu Uber và Grab mà đứng sau đó còn là cả một tập đoàn kinh doanh đa quốc gia. Về mặt kiểm tra, xử lý, hãng taxi có sử dụng phần mềm kết nối dễ dàng nhận diện nhờ có dán phù hiệu, logo đơn vị vận tải nhưng với các xe ứng dụng hợp đồng điện tử như Grab hay Uber thì dễ dàng “tàng hình” qua mặt cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa thể kiểm soát vấn đề khả năng thất thu thuế đối với loại hình taxi công nghệ.

Trả lời những bức xúc của đại diện các hãng taxi truyền thống, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT không cấp số lượng xe tham gia thí điểm mà giao địa phương tự quản lý, có quyền cấp hay tạm dừng (số lượng xe, thời gian triển khai) mà không cần phải xin ý kiến của Bộ GTVT. Nếu các địa phương muốn quản lý phù hiệu, logo của taxi công nghệ thì sẽ giao đơn vị chức năng nghiên cứu và triển khai để quản lý tốt hơn. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để tính toán quản lý thuế tốt hơn và làm việc với Bộ Công thương về vấn đề chống bán phá giá, khi Grab và Uber thực hiện các chương trình lôi kéo khách hàng. Đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng cho biết, hiện các cơ quan quản lý vẫn gặp khó khăn trong việc thu thuế đối với Uber, để chống thất thoát thuế thì Uber cần thành lập một pháp nhân ở Việt Nam và phải thực hiện nộp thuế giống như các doanh nghiệp khác để tạo sự bình đẳng. Tổng cục Thuế cũng đề nghị được cung cấp số liệu xe (hành trình, doanh thu) để truy thu và thu đủ thuế. Cùng với việc khuyến nghị taxi truyền thống cần thay đổi về giá cước, cung cách phục vụ, chất lượng xe, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Uber và Grab phải tham mưu cho công ty mẹ thực hiện đúng pháp luật Việt Nam, chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam, không làm loạn thị trường. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đề án thí điểm sẽ thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử sẽ thực hiện trong 2 năm, cuối năm 2017 sẽ kết thúc và có tổng kết thực hiện mô hình này để đưa ra giải pháp quản lý tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục