Tháo gỡ mâu thuẫn

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố một số đề xuất trong việc đánh thuế các hãng công nghệ lớn một cách công bằng. Đây là nỗ lực nhằm tháo gỡ mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu về vấn đề này.

Hồi đầu năm, Pháp đã thông qua luật riêng về việc đánh thuế các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon. Paris cho rằng những hãng công nghệ lớn phải trả thuế cho những khoản thu mà họ có được khi hoạt động tại một quốc gia bất kể họ đặt trụ sở ở đâu. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của Anh nhưng Mỹ thì lo ngại luật này chỉ nhắm tới các công ty Mỹ. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới sau đó đã thống nhất rằng OECD nên đưa ra các đề xuất giúp hình thành một nền tảng đàm phán trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) để tiến tới một hiệp ước quốc tế vào năm 2020.

Theo OECD, đề xuất mới của khối sẽ giúp đảm bảo những doanh nghiệp đa quốc gia quy mô lớn và có lợi nhuận cao, bao gồm cả các công ty công nghệ, sẽ phải trả thuế ở bất kể nơi nào có hoạt động tạo ra lợi nhuận. Đề xuất này đồng nghĩa với việc tái phân bổ lợi nhuận và quyền đánh thuế tương ứng cho các quốc gia và hệ thống luật pháp tại các quốc gia, nơi các công ty công nghệ có hoạt động thị trường. Như vậy, đối tượng chịu tác động là các công ty đa quốc gia có nguồn thu từ hoạt động cung cấp sản phẩm hoặc các dịch vụ công nghệ số cho người tiêu dùng.

OECD gọi đây là cách tiếp cận chung vì bao gồm các yếu tố chung tổng hợp từ 3 đề xuất của các quốc gia thành viên. Theo luật mới, các công ty cũng sẽ bị đánh thuế tại những quốc gia mà họ có hoạt động quan trọng, kể cả khi không hiện diện vật chất tại các quốc gia này. Trong khi theo hệ thống luật hiện hành, các công ty nước ngoài chỉ bị đánh thuế ở quốc gia mà họ có hiện diện vật chất như đặt văn phòng hoặc nhà máy. Dựa vào đó, nhiều công ty đa quốc gia như các công ty công nghệ đã mở rộng kinh doanh tại các quốc gia mà họ không đặt cơ sở vật chất để giảm gánh nặng thuế.

Tổng thư ký OECD Angel Gurria khẳng định, đề xuất mới là một bước tiến thực chất trong việc giải quyết những thách thức thuế quan trong thời đại kinh tế số và sẽ tiếp tục được cải thiện để hướng tới một giải pháp chung giúp cải tổ hệ thống thuế quan quốc tế trước năm 2020. Ông Angel Gurria lo ngại nếu không thể tiến tới thỏa thuận trước năm 2020, các quốc gia có thể sẽ hành động đơn phương, gây ra những hậu quả tiêu cực với nền kinh tế toàn cầu vốn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. OECD cho biết đề xuất sẽ chính thức được công bố tại Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20, dự kiến diễn ra tại Washington trong 2 ngày 17 đến 18-10. OECD cũng lấy ý kiến góp ý của người dân trong nhóm nước thuộc OECD cho đến ngày 12-11 và dự kiến hoàn thiện đề xuất này trong năm 2020.

Với giới chức Pháp, đây là một bước đi đáng được hoan nghênh. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định đề xuất trên rất hữu hiệu và kêu gọi các quốc gia thành viên OECD sớm ký kết thỏa thuận trong năm 2020. Pháp từng khẳng định sẽ tự động gỡ bỏ luật riêng nếu các bên thống nhất luật quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) trước đó cũng cảnh báo sẽ thiết lập một hệ thống thuế riêng nếu các bên không thể đạt thỏa thuận vào năm tới.

Tin cùng chuyên mục