Tháo gỡ khó khăn khi Mỹ điều tra mật ong Việt Nam

Ngày 2-11, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm ngành mật ong ứng phó với việc Mỹ điều tra chống bán phá giá do Bộ Công thương phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Trước đó, ngày 14-5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong từ Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Argentina và Việt Nam. Theo quyết định, biên độ bán phá giá do DOC ước tính áp với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mật ong của Việt Nam là 47,56%-138,23%. Thời gian điều tra là 12 tháng, có thể gia hạn thêm 6 tháng theo quy định của Mỹ. 

Theo Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam Đinh Quyết Tâm, mặc dù nguồn lực khó khăn nhưng khi đối diện với nghi ngờ của đối tác, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tích cực tháo gỡ và có luật sư hỗ trợ. Hiện, hơn 20 doanh nghiệp đã hợp tác với luật sư để tiến hành các điều tra sơ bộ của Mỹ. Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Phạm Châu Giang cho biết, đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp nuôi ong chủ yếu phát triển từ những cơ sở kinh doanh theo mô hình hộ gia đình, có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa nên thiếu kinh nghiệm ứng phó với vụ điều tra, thậm chí cảm thấy hoang mang, lo lắng. 

Để hỗ trợ, Bộ Công thương cùng Bộ NN-PTNT và Hội Nuôi ong Việt Nam đã trao đổi với từng doanh nghiệp xuất khẩu, phối hợp cung cấp thông tin cho phía Mỹ. Điểm bất lợi là Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi nên giá bán mật ong thấp hơn so với các nước, nên đây là lý do cáo buộc của nước ngoài đối với Việt Nam với biên độ thuế cao hơn. “Nếu không có gì thay đổi, cơ quan điều tra của Mỹ sẽ ban hành kết luận sơ bộ về vụ việc vào ngày 17-11”, bà Phạm Châu Giang cho biết. 

Tại tọa đàm, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu gần 50.000 tấn mật ong sang Mỹ. Lệnh điều tra của Mỹ đã tác động tới thị trường và hoạt động sản xuất mật ong trong nước, giá mật ong xuống, khiến nhiều người nuôi ong lo lắng. 

Tin cùng chuyên mục