Tháo gỡ khó khăn Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Ngày 25-10, tại hội thảo “Bố trí giáo viên và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018” do Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước, hàng loạt vấn đề khó khăn về giáo viên, điều kiện triển khai các môn học mới đã được trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ.
Học sinh Trường THCS Bàn Cờ (quận 3, TPHCM) trong tiết học môn Lịch sử - Địa lý. Ảnh: THU TÂM
Học sinh Trường THCS Bàn Cờ (quận 3, TPHCM) trong tiết học môn Lịch sử - Địa lý. Ảnh: THU TÂM

Giải bài toán thiếu giáo viên

TS Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nêu thực tế, cả nước còn thiếu gần 107.000 giáo viên các cấp học. Trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều nhất với 44.000 giáo viên, kế đến là tiểu học thiếu gần 33.000 giáo viên, THCS thiếu trên 18.000 và THPT thiếu gần 12.000 giáo viên. Nguyên nhân là do từ năm 2015 trở về trước, nhiều địa phương có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp do chỉ tiêu biên chế được giao chưa đủ định mức, bậc tiểu học triển khai chương trình dạy học 1 buổi/ngày nên giao biên chế 1,2 giáo viên/lớp. 

Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chủ trương dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, định mức nâng lên 1,5 giáo viên/lớp nhưng biên chế giáo dục không tăng thêm, trong khi đó số lượng học sinh tăng đều hàng năm, đặc biệt ở các thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... Riêng đối với các môn học đặc thù như tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật, chính sách tuyển dụng và thu nhập cho giáo viên chưa đủ sức thu hút nên luôn khan hiếm nguồn tuyển.

Trước thực tế trên, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đề nghị các địa phương rà soát, tập trung giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, đặt hàng các trường sư phạm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, kết hợp với việc sắp xếp lại hệ thống trường lớp, giảm trường học có quy mô nhỏ, xây dựng trường nhiều cấp học, xã hội hóa giáo dục ở những nơi đủ điều kiện, đẩy mạnh bố trí giáo viên liên trường, liên cấp nhằm tháo gỡ khó khăn về đội ngũ. Song song đó, mỗi cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ, rà soát số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả môn học, khẩn trương tuyển dụng giáo viên còn thiếu so với biên chế được giao. 

Ở góc độ khác, theo PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), trước đây khi triển khai chương trình giáo dục theo Quyết định 16/2006 do Bộ GD-ĐT ban hành đã xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Đến nay, CT GDPT 2018 xuất hiện thêm các môn học mới khiến nhân sự càng khó khăn hơn. Trong đó, các môn học không thay đổi tên gọi so với chương trình cũ đều giữ nguyên hoặc giảm nhẹ số tiết nên không xáo trộn về nhân sự. Cơ cấu giáo viên tập trung biến động ở các môn học mới đòi hỏi sự chủ động rà soát, bố trí đội ngũ của các đơn vị.

"Trong vòng 4 năm trở lại đây (2019-2022), có 26 văn bản quy định trực tiếp hoặc liên quan đến nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới thay thế. Qua đó, có thể thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách cho nhà giáo thường xuyên cập nhật, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế, song không tránh khỏi một số thời điểm văn bản chưa theo kịp thực tế " -Ông ĐẶNG VĂN BÌNH, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GD-ĐT.

Thay đổi nhận thức của giáo viên

Lý giải khó khăn khi triển khai CT GDPT 2018, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, lâu nay giáo viên quen với việc triển khai chương trình theo kiểu mỗi người một môn học. Trong khi đó, chương trình mới đòi hỏi sự phối hợp kiến thức tạo tâm lý khó khăn cho giáo viên. Môn Khoa học tự nhiên thật ra là một môn học, tương đương các môn khác trong chương trình nhưng do tích hợp kiến thức từ 3 phân môn trước đây gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học nên được giáo viên và học sinh gọi là môn tích hợp. Trong đó, so với tổng số 595 tiết cho cả 4 năm lớp 6, 7, 8, 9 theo chương trình trước đây, môn Khoa học tự nhiên trong CT GDPT 2018 còn 560 tiết, giảm 35 tiết. Tương tự, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cũng có số tiết giảm so với thời lượng hoạt động giáo dục tập thể và ngoài giờ lên lớp theo chương trình cũ.

Tiết học môn Lịch sử - Địa lý tại Trường THCS Bàn Cờ (quận 3, TPHCM)

“Về tổng thể chương trình, giáo viên thực hiện số tiết dạy ít hơn so với trước đây nên không thể nói là chương trình nặng hơn. Mấu chốt vấn đề nằm ở việc phân bổ, sắp xếp thời khóa biểu cho từng môn học”, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Hiện nay, có tình trạng thời khóa biểu ở nhiều trường thay đổi liên tục, gây khó cho cả người dạy lẫn người học do chia đều thời lượng các môn học cho 35 tuần/năm học, chỉ cần một môn học thay đổi số tiết sẽ xáo trộn toàn bộ thời khóa biểu của học sinh. Trong khi đó, CT GDPT 2018 không quy định số tiết dạy theo tuần mà “khoán” thời lượng môn học theo năm, giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cho các trường. Vì vậy, việc triển khai môn học ở cùng thời điểm mỗi trường sẽ khác nhau. Riêng đối với việc triển khai tổ hợp môn tự chọn ở khối 10, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định, việc sắp xếp tổ hợp môn học vừa đáp ứng nhu cầu học sinh vừa phù hợp điều kiện thực tế của trường. Do đó, các trường THPT cần sớm xây dựng phương án triển khai, công bố sớm vào đầu mỗi năm học cho phụ huynh và học sinh. 

Song song đó, quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non, phổ thông hiện nay được tính toán trên cơ sở thực hiện chương trình giáo dục ban hành năm 2006. Theo ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu, sửa đổi các quy định về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông nhằm phù hợp hơn với CT GDPT 2018.

TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết, năm học 2022-2023 là năm thứ ba triển khai CT GDPT 2018. Bên cạnh một số kết quả đạt được, cơ sở giáo dục vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn như thiếu giáo viên; chương trình còn lúng túng ở một số khâu và nội dung thực hiện. 

Tin cùng chuyên mục