Tháo gỡ điểm nghẽn biên chế cho phường, xã

Câu chuyện về “dôi dư” biên chế tại TPHCM rộ lên gần một tháng nay, kể từ khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với thành phố. Thực tế, vấn đề tồn tại khá lâu và căng thẳng hơn khi có Nghị định 34/2019, Nghị định 33/2021 của Chính phủ. Nguyên nhân từ đâu, phải chăng từ việc chưa thống nhất về cách tính định biên theo tiêu chí nào.
Tháo gỡ điểm nghẽn biên chế cho phường, xã

Hàng năm, HĐND TPHCM đều xem xét giao chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức cho UBND TPHCM nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao. Số lượng nhiều hơn Trung ương giao do đặc thù TPHCM dân số tăng cơ học nhanh, khách vãng lai nhiều và những dịch vụ y tế, giáo dục… thu hút người dân nhiều địa phương khác. Vấn đề này Trung ương biết và TPHCM đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được Trung ương đồng ý. Nếu “cắt” số cán bộ công chức, viên chức mà Trung ương gọi là dôi dư sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động trong quá trình điều hành, quản lý, nhất là phục vụ người dân.

Chênh lệch giữa biên chế thực tế và được giao không phải do không chặt chẽ, buông lỏng quản lý mà chính do khối lượng công việc nhiều và tính phức tạp của đô thị đông dân nhất nước. Có những lĩnh vực đặc thù mà trước mắt còn cần số lượng nhân sự khá lớn như đội quản lý trật tự đô thị khoảng 50 người cho mỗi quận, huyện. 
Để thống nhất cách xử lý biên chế cần dựa theo tiêu chí dân số, đặc điểm, tính chất công việc. Nếu so về dân số thì trung bình 1 công chức TPHCM phải phục vụ gấp 3,2 lần cả nước. Ở TPHCM có 6 phường, xã trên 100.000 dân và 48 phường, xã trên 50.000 dân. Cũng có phường 20.000 dân nhưng phục vụ khách vãng lai rất lớn, giải quyết trên 1.000 hồ sơ/ngày, nhiều bộ phận phải trực đêm để giải quyết công việc. 
Khi triển khai thực hiện Nghị định 34/2019, các phường, xã gặp rất nhiều khó khăn. Nghị định 33/2021 còn chặt hơn, yêu cầu giảm thêm 1-2 nhân sự nữa. Trung bình mỗi phường, xã hiện còn 34-36 người, phải choàng gánh và kiêm nhiệm nhiều (trước đây nơi đông dân như xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (170.000 dân) có 79 cán bộ, công chức chưa kể lực lượng không chuyên trách nay còn 36 người). Thực tế TPHCM không có cán bộ “dôi dư” vì họ phải đang làm việc cật lực. 
Nhìn chung, cán bộ phường, xã chịu nhiều áp lực, làm việc trong tình trạng quá tải và làm việc ngoài giờ nhiều, làm việc cả ngày nghỉ nhưng thu nhập không bao nhiêu. Nhiều trường hợp không giữ được hạnh phúc gia đình... Thời gian gần đây, số người làm việc tại cơ sở xin nghỉ việc tăng lên.
Thiết nghĩ, trên cơ sở rà soát, đánh giá tình hình, TPHCM nên kiến nghị Trung ương xác định số biên chế phù hợp theo quy mô dân số, tính chất đặc thù nhằm tạo điều kiện cho phường, xã làm tốt việc phục vụ dân. Cùng với xác định số lượng biên chế phù hợp nên xem xét về chế độ chính sách nhằm tăng thêm thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao. 
Tinh giản biên chế, giảm sự cồng kềnh của bộ máy là chủ trương và hướng đi đúng nhưng không nên cào bằng ở tất cả các cấp, tất cả phường, xã. Đương nhiên, TPHCM cũng đang trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tiến tới giảm biên chế nhiều hơn.
Cạnh đó, từ thực tiễn TPHCM, Trung ương cần xem xét giảm thủ tục hành chính mạnh hơn. Bởi lẽ hiện nay có nhiều thủ tục nằm ở văn bản pháp luật, ở các nghị định không thuộc thẩm quyền thành phố. Trung ương cũng cần sớm có cơ chế vận hành theo mô hình chính quyền đô thị (sớm ban hành Luật Chính quyền đô thị), tạo điều kiện cho TPHCM thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị. Cùng với đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tăng tính chủ động cho địa phương, cơ sở, trong đó có cả quyền chủ động về nhân sự và ngân sách, khắc phục tình trạng xin - cho hầu như không giảm trong tình hình hiện nay.
Trước tiên, vấn đề biên chế cho phường, xã đang đặt ra và đòi hỏi cấp có thẩm quyền giải quyết ngay như một cuộc “giải cứu” vì liên quan đến con người, lực lượng trực tiếp phục vụ dân. Người dân TPHCM rất mong những điểm nghẽn của TPHCM sớm được xem xét tháo gỡ, tạo thêm niềm tin và hun đúc sức mạnh đi lên của đầu tàu kinh tế cả nước.

Tin cùng chuyên mục