Tháo “điểm nghẽn” cho thị trường bất động sản

Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã đưa ra hàng loạt kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 nhằm tháo “điểm nghẽn” cho thị trường BĐS. 
HoREA đã đưa ra hàng loạt kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 nhằm tháo “điểm nghẽn” cho thị trường BĐS. Ảnh: CAO THĂNG
HoREA đã đưa ra hàng loạt kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 nhằm tháo “điểm nghẽn” cho thị trường BĐS. Ảnh: CAO THĂNG
Tại buổi làm việc giữa Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) với Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Tổng cục Đất đai thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường về tình hình thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật đất đai về phát triển thị trường bất động sản (BĐS) ngày 26-7, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết Luật Đất đai 2013 đã có tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường BĐS, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện, Luật Đất đai 2013 vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết cần phải được sửa đổi, bổ sung.
HoREA đã đưa ra hàng loạt kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 nhằm tháo “điểm nghẽn” cho thị trường BĐS. Trong đó, có đề xuất về tháo gỡ “điểm nghẽn” trong chuyển nhượng dự án. Theo HoREA, TPHCM có khoảng 500 dự án hiện đang ngừng triển khai nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hợp lý và hiệu quả để xử lý triệt để vấn đề này. Việc chuyển nhượng dự án là hoạt động giữa các nhà đầu tư với nhau, chưa phải là bán nhà ở cho người mua nhà. Nếu bên chuyển nhượng chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng thì bên nhận chuyển nhượng dự án sẽ tiếp tục thực hiện hoàn tất các công việc này.
Do vậy, HoREA kiến nghị cho phép chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch của dự án; coi chuyển nhượng dự án, một phần dự án là hoạt động bình thường trong quá trình đầu tư kinh doanh theo nhu cầu của các doanh nghiệp. “Kiến nghị này phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, có hiệu lực từ ngày 1-8-2017, trong đó có cơ chế xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Châu cho hay. 
Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài, nhưng khi xảy ra tranh chấp thì phải được xử lý theo pháp luật của nước ta.
Ban Kinh tế Trung ương cho biết rất hoan nghênh, ghi nhận, đánh giá cao những kiến nghị của HoREA và sẽ có ý kiến với các bộ, ngành chủ trì khi sửa đổi, bổ sung các quy định này nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” cho thị trường bất động sản.

Tin cùng chuyên mục