Tháo dần rào cản việc tích tụ đất nông nghiệp

Nhà nước đã mở chính sách cho phép tích tụ, chuyển nhượng đất nông nghiệp từ nhiều năm qua, nhưng triển khai còn chậm vì mắc hàng loạt rào cản. Hầu như nông dân vẫn giữ tâm lý “sợ mất đất”, nhiều người lên thành phố làm ăn nhưng vẫn cố giữ ruộng, trong khi làm ruộng thì không có lãi nên nhiều nơi lại bỏ hoang…
Phải có diện tích lớn thì doanh nghiệp mới có thể vào đầu tư, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi
Phải có diện tích lớn thì doanh nghiệp mới có thể vào đầu tư, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi

Ruộng đất manh mún, khó tích tụ

Từ năm 2011, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định “Khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”. Chủ trương này tiếp tục được khẳng định trong văn kiện Đại hội XII của Đảng (năm 2016). Thế nhưng, sau nhiều năm thực hiện tích tụ đất đai, đến nay lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn rất nhỏ bé (chưa đến 1%).

Trong nhiều nguyên nhân, rào cản chính vẫn là do đất đai khó tích tụ để có mặt bằng lớn cho doanh nghiệp, vì phần lớn đất sản xuất nông nghiệp đang là nhỏ lẻ, manh mún nằm trong tay các hộ cá thể. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, hiện cả nước có tới 78 triệu mảnh ruộng, không thể sản xuất hàng hóa với quy mô lớn nếu cứ duy trì hình thức này.

Tại hội thảo tham vấn về tháo gỡ các rào cản để tích tụ đất đai do Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông thôn tổ chức ngày 30-10 ở Hà Nội, bà Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng nhóm Khảo sát tình hình chuyển nhượng - cho thuê, tích tụ đất nông nghiệp, cho biết, doanh nghiệp không thể đầu tư nếu phải đi gom từng mảnh ruộng bé nhỏ của nông dân.

Tại Thái Lan, đến nay đã có 1,4 triệu mảnh ruộng có quy mô trên 22ha, 11 trang trại trồng cọ với quy mô mỗi trang trại tới 3.000-4.000ha. Trung Quốc cũng đã có 8,82% diện tích có quy mô mỗi mảnh ruộng trên 3ha. Còn tại Việt Nam, đến nay vẫn có hơn 70% đất sản xuất nông nghiệp chỉ có diện tích dưới 0,5ha mỗi thửa.

Theo Bộ NN-PTNT, Hà Nam, An Giang và Lâm Đồng đang dẫn đầu cả nước về tích tụ đất nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam, quá trình tích tụ cũng rất gian truân, chật vật.

Qua 2 lần “dồn điền đổi thửa” (kéo dài 10 năm), tỉnh mới rút được số thửa ruộng nằm phân tán trên mỗi hộ từ 6 - 7 thửa xuống còn 1,7 thửa, nhưng do quỹ đất nông nghiệp ít nên diện tích trên mỗi thửa cũng rất nhỏ. “Vì thế mới có tình trạng, để có 180ha đất giao cho Tập đoàn Vingroup làm nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi phải thương thảo, đàm phán với hơn 2.000 hộ dân để gom đất” - ông Ngọc chia sẻ và cho biết thêm, tỉnh Hà Nam đã quy hoạch 655ha đất cho 6 dự án khu nông nghiệp công nghệ cao, trồng hoa, nuôi bò sữa… nhưng đến nay mới bàn giao được 210ha cho 4 doanh nghiệp.

Giải tỏa tâm lý “sợ mất đất”

Đề cập thực trạng tích tụ đất đai diễn ra chậm chạp, bà Trần Thị Thanh Nhàn cho biết, hiện nay đang có nhiều hình thức tích tụ như chuyển nhượng (mua bán), cho thuê và góp vốn bằng đất… giữa nông dân với nông dân hoặc giữa nông dân với doanh nghiệp.

Trong đó, hình thức chuyển nhượng giữa nông dân với nông dân chủ yếu là để đầu cơ, mong đợi giá đất nông nghiệp lên cao để bán chứ không phải để đầu tư vào sản xuất. Còn giữa doanh nghiệp với nông dân chủ yếu là hình thức nông dân cho doanh nghiệp thuê lại đất (theo thỏa thuận 10 - 20 năm). Còn doanh nghiệp mua lại đất của nông dân (theo kiểu mua đứt bán đoạn) thì thủ tục rất “zích zắc”, phải thanh toán xong tiền cho dân, sau đó lại bàn giao đất cho Nhà nước để làm thủ tục thuê lại. Do các quy định pháp lý chưa chặt chẽ nên doanh nghiệp luôn e sợ bị nông dân phá hợp đồng, bể kèo.

Để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, ông Ngô Mạnh Ngọc cho biết, tỉnh Hà Nam có sáng kiến là chính quyền ứng tiền, đứng ra tổ chức thu gom, thuê đất của bà con nông dân với giá 3.000 đồng/m2/năm, trong thời hạn 20 năm rồi cho doanh nghiệp thuê lại với giá bằng giá thuê của người dân. “Khi thuê đất của bà con, doanh nghiệp thường muốn bám vào tỉnh để nhỡ hợp đồng có bị phá vỡ thì còn được tỉnh bồi thường”- ông Ngọc chia sẻ và đề nghị đưa mô hình này vào Luật Đất đai sửa đổi để thu hút các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và phát triển nông thôn, rào cản lớn nhất khi triển khai tích tụ đất đai chính là hàng rào tâm lý của người nông dân có ruộng. Tâm lý của nhiều nông dân hiện nay là không muốn mất ruộng. Làm ruộng không có lãi nên nhiều nơi đang bỏ hoang, thi nhau bỏ ruộng nhưng bảo bán lại không bán. Nhiều người lên thành phố làm ăn nhưng ở quê vẫn quyết giữ ruộng

. “Thế nhưng, nếu có giá cao thì họ sẽ bán” - ông Long nói và nêu dẫn chứng ở xã Phú Cường (Sóc Sơn - Hà Nội), rất nhiều người dân mong dự án sân bay Nội Bài mở rộng để bán ruộng vì mỗi sào Bắc bộ cũng được 400 - 500 triệu đồng, đem gửi ngân hàng mỗi tháng cũng có vài triệu đồng. Do đó, để thúc đẩy tích tụ thì phải xây dựng thị trường cho đất nông nghiệp.

Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và phát triển nông thôn cho biết, không chỉ tâm lý lo sợ mất đất làm ăn mà hiện nay người nông dân còn lo lắng với nhiều câu hỏi như nếu cho doanh nghiệp thuê 20 - 30 năm thì liệu có còn hay mất; kết thúc thời hạn cho thuê, doanh nghiệp trả mặt bằng như thế nào? Dẫn chứng một dự án thuê đất để chăn nuôi ở xã Ngọc Tảo (Phúc Thọ - Hà Nội) với giá 1 triệu đồng/sào Bắc bộ thời hạn 10 năm, TS Nguyễn Bá Long cho biết, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để vận động bà con, phải cam kết trả lại khi mãn hạn, không bê tông hóa, không đào ao thả cá trên mặt ruộng, chuồng trại chăn nuôi phải làm sàn có bánh xe…

Vì vậy, ông tán thành đề xuất nên có tổ chức đứng ra giúp doanh nghiệp thu gom thuê đất của bà con và phải lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực thực sự, phải thỏa thuận với từng hộ dân, không được cưỡng ép, tôn trọng quyền lợi của dân. Nên áp dụng hình thức cho thuê đất, hạn chế nông dân góp vốn bằng đất vì nếu giống như vụ Công ty Coca-Cola thuê đất nông nghiệp ở tỉnh Hà Tây cũ, các doanh nghiệp dùng chiêu báo lỗ, nông dân sẽ bị mất trắng tài sản sau vài năm.

Ông Võ Thành Minh, Chánh văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho rằng, lý do bà con nông dân không muốn chuyển nhượng hẳn quyền sử dụng đất dù sản xuất thì không hiệu quả là vì họ chưa ổn định trong chuyển đổi nghề, nông nghiệp vẫn là nguồn sống tối thiểu. Rõ ràng, để người dân yên tâm giao đất cho người khác phụ thuộc rất lớn vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của mỗi địa phương.

Còn theo đại diện Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Hòa Bình, muốn thúc đẩy nhanh tiến độ tích tụ đất nông nghiệp, việc đầu tiên cần làm cho tốt là khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nông dân.

Tin cùng chuyên mục