Thành tựu từ nỗ lực đầu tư kỹ thuật quân đội

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 382/NQ-ĐUQSTW (Nghị quyết 382) của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới, hệ thống kho tàng, trạm xưởng của Quân khu 7 được quy hoạch, đầu tư bài bản cùng với việc bảo quản tốt vũ khí. 
 Đại biểu tham quan mô hình sáng kiến thiết bị bay không người lái của Bộ Tư lệnh TPHCM
Đại biểu tham quan mô hình sáng kiến thiết bị bay không người lái của Bộ Tư lệnh TPHCM

Kết quả ấy giúp Quân khu 7 vươn lên thành đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu, tiếp nối truyền thống tự hào của quân và dân trên mảnh đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Thiếu tướng Du Trường Giang, Phó Tư lệnh Quân khu 7, cho biết, trước khi Nghị quyết 382 ra đời, công tác kỹ thuật quân khu còn nhiều bất cập, khối lượng vũ khí trang bị kỹ thuật lớn, nhưng hệ số đồng bộ, kỹ thuật thấp và hệ thống kho tàng chưa đảm bảo. Một số kho tàng dù đã được nâng cấp nhưng vẫn chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt, chưa phù hợp với yêu cầu tác chiến phòng thủ của quân khu. Điều đó đặt ra yêu cầu đổi mới trong tình hình mới.

Khi ấy, Quân khu 7 cần phải xây dựng mới 112 nhà kho (tổng diện tích trên 12.000m2), trọng tâm ở huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) và các tỉnh Long An, Tây Ninh cùng TPHCM... Bên cạnh đó, các cơ sở sửa chữa của quân khu chưa hoàn thiện. Cơ sở huấn luyện kỹ thuật còn nhiều hạn chế, số vũ khí dùng cho thực hành, trang thiết bị, mô hình học cụ vừa thiếu lại lạc hậu. Chưa kể, trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật vừa thiếu vừa yếu. Đó là những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến khả năng bảo đảm kỹ thuật, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu 7.

Cụ thể hóa Nghị quyết 382, Quân khu 7 từng bước tạo sự chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn quân khu. Các dự án hoàn thiện hệ thống tổ chức, gắn với công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành kỹ thuật quân khu được tập trung thực hiện. Kết quả, Quân khu 7 hoàn thành xây mới hàng trăm kho tàng, trong đó có 70 kho kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện và nhiều nhà sản xuất mô hình học cụ huấn luyện, nhà nhuộm đen vũ khí, phân xưởng sản xuất vũ khí tự tạo, phân xưởng cơ khí, nhà sửa chữa khí tài quang học... Theo Trung tá Lê Ngọc Quyền, Chủ nhiệm kỹ thuật Sư đoàn 5, Quân khu 7, kết quả đó đã giúp tăng sức chiến đấu của người lính, đơn vị.

Chia sẻ thêm, Thượng tá Mai Thành Nam, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn Công binh 25 - đơn vị chuyên thực hiện rà phá bom mìn thuộc Quân khu 7 - nhận xét, việc trang bị thiết bị hiện đại không chỉ đảm bảo an toàn cho người lính mà còn góp phần quan trọng vào việc hoàn thành tốt nhiệm cụ của đơn vị. Cụ thể, 15 năm qua, Lữ đoàn Công binh 25 đã đóng góp không nhỏ vào kết quả của Quân khu 7: xử lý trên 1.800 tấn bom, mìn, đạn dược, vật liệu nổ và trên 180 tấn bom, mìn, đạn được thu hồi, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Một nội dung quan trọng và cũng là bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật ở Quân khu 7 là phải thường xuyên duy trì chặt chẽ nền nếp chính quy. Cơ quan kỹ thuật các đơn vị đã tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt việc bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất vũ khí, trang bị kỹ thuật đúng định kỳ, đúng quy trình công nghệ; trong đó, chú trọng sử dụng vật liệu mới để niêm cất.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã duy trì nghiêm túc “Ngày kỹ thuật” với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có sức lôi cuốn nhiều người cùng tham gia. Thiếu tướng Du Trường Giang, Phó Tư lệnh Quân khu 7, chia sẻ thêm: “Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 382, công tác kỹ thuật của quân khu đã đạt được những thành tựu ngoạn mục. Quân khu 7 còn là đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu, tiếp nối truyền thống tự hào của quân và dân trên mảnh đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Tin cùng chuyên mục