Thanh tra việc mua sắm kit test Covid-19 tại Bộ Y tế, Hà Nội và TPHCM

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa báo cáo Thủ tướng, Chính phủ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2021. Trong đó, có nội dung tổ chức thanh tra việc mua sắm kit test Covid-19 tại một số địa phương và Bộ Y tế.

Đối với nhiệm vụ “Có kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch vừa qua để chống lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”, TTCP đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022.

Trong đó, Chính phủ giao TTCP tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit test phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, UBND TPHCM. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Thanh tra việc mua sắm kit test Covid-19 tại Bộ Y tế, Hà Nội và TPHCM ảnh 1 Nhiều địa phương có liên quan đến vụ án kit test Covid-19 Việt Á đang được làm rõ

Trên cơ sở đó, Tổng TTCP đã xây dựng, phê duyệt 3 cuộc thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit test phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, UBND TPHCM.

Đồng thời, TTCP cũng có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thanh tra Chính phủ sẽ triển khai các cuộc thanh tra nói trên ngay trong quý 1-2022, đồng thời, sẽ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo kế hoạch, trong năm 2022, TTCP tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng của các ngành, các cấp và thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành tập trung vào những nội dung, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội, các vi phạm pháp luật và chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật chuyên ngành. 

Trong đó sớm triển khai thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit test phục vụ phòng, chống dịch.

Trước đó, liên quan tới một số Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tại một số tỉnh như Hải Dương, Bình Dương, Nghệ An, Bộ Y tế, Bộ KH-CN..., Cơ quan điều tra đã khởi tố hàng loạt lãnh đạo các đơn vị này. 

Trong đó có, khởi tố các bị can về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đối với ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế; ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế); ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH-CN).

Khởi tố các bị can về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đối với: ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An; bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Kế toán trưởng CDC Nghệ An; Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương; Trần Thanh Phong, Phó phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương; Lê Thị Hồng Xuyên, nguyên Phụ trách Phòng Thí nghiệm CDC Bình Dương; Tiêu Quốc Cường, Kế toán trưởng, Phó Phòng Tài chính, Sở Y tế Bình Dương; Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty VNDAT; Nguyễn Thị Thúy, nhân viên kinh doanh Công ty VNDAT; Lê Trung Nguyên, Giám đốc vùng Công ty Việt Á.

Thủ đoạn của các bị can được Cơ quan điều tra xác định là: Quá trình kinh doanh và tiêu thụ kit test Covid-19 do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách để Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á theo giá do doanh nghiệp này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do doanh nghiệp của Phan Quốc Việt đề nghị, bị can Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn. Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm...

Tin cùng chuyên mục