Thanh thiếu niên có nguy cơ cao lây nhiễm viêm não mô cầu và bạch hầu - uốn ván - ho gà

Ngày 5-5, Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức tọa đàm “Tầm quan trọng của chủng ngừa não mô cầu và bạch hầu – uốn ván - họ gà trên thanh thiếu niên” với sự tham gia của PGS-TS-BS Cao Hữu Nghĩa, Viện Pasteur TPHCM và TS-BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Các chuyên gia chia sẻ tại buổi tọa đàm

Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho nhóm tuổi thanh thiếu niên, tiêm phòng đúng lịch, đầy đủ các mũi tiêm được khuyến cáo giúp thiết lập hàng rào kháng thể, ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.

Thanh thiếu niên có nguy cơ cao lây nhiễm viêm não mô cầu và bạch hầu - uốn ván - ho gà ảnh 2 PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa - Giảng viên vi sinh và an toàn tiêm chủng, Viện Pasteur

Trên thực tế, nhiều phụ huynh thường tập trung tiêm chủng cho đối tượng trẻ nhỏ, mà bỏ qua hoặc chưa nhận thức đầy đủ về việc tiêm chủng cho thanh thiếu niên. Từ đó dẫn đến tỷ lệ thanh thiếu niên chưa được tiêm phòng bệnh do nhiễm não mô cầu còn hạn chế.

Còn đối với các bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà, dù đã được tiêm chủng từ nhỏ, nhưng theo thời gian, kháng thể từ các mũi tiêm này giảm dần, không còn đủ khả năng bảo vệ cho trẻ.

TS-BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh do nhiễm não mô cầu có thể lâm sàng thường gặp nhất là viêm màng não. Bệnh tiến triển rất nhanh, với những biểu hiện khó phát hiện trong giai đoạn mới nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong chỉ trong 24 giờ.

Thanh thiếu niên có nguy cơ cao lây nhiễm viêm não mô cầu và bạch hầu - uốn ván - ho gà ảnh 3 TS.BS. Nguyễn An Nghĩa - Phó khoa nhiễm thần kinh, BV Nhi Đồng 1
Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), trẻ em dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên là đối tượng mắc bệnh do vi khuẩn N. meningitidis (vi khuẩn não mô cầu) xâm lấn cao nhất, với khoảng 1,2 triệu trường hợp xảy ra trên toàn thế giới mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị đầy đủ, bệnh do nhiễm não mô cầu vẫn có tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 10%, thường xảy ra trong vòng 24 - 48 giờ. Tỷ lệ tử vong của bệnh có thể lên đến 50% nếu không được điều trị kịp thời.

Nếu may mắn sống sót, sẽ có khoảng 10-20% bệnh nhân vẫn phải chịu những di chứng nặng nề của bệnh như: Tổn thương não, điếc, tàn tật. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng về chất lượng sống, gánh nặng kinh tế...

Thanh thiếu niên có nguy cơ cao lây nhiễm viêm não mô cầu và bạch hầu - uốn ván - ho gà ảnh 4 Dấu hiệu bệnh viêm màng não mô cầu
Còn theo PGS-TS-BS Cao Hữu Nghĩa, Viện Pasteur TPHCM, bệnh do nhiễm não mô cầu, bạch hầu, uốn ván, ho gà có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Thanh thiếu niên là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao khi tham gia nhiều hoạt động giao tiếp xã hội. Đồng thời, nhóm tuổi này còn có thể mang nguồn bệnh lây nhiễm cho trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi ở nhà.

Vì vậy, việc tiêm ngừa cho thanh thiếu niên không chỉ giúp bảo vệ bản thân trẻ, mà còn góp phần bảo vệ mọi người xung quanh. Ngoài bệnh do nhiễm não mô cầu, việc tiêm vaccine ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà cho thanh thiếu niên cũng rất quan trọng. Dù đã được chủng ngừa đầy đủ trong 2 năm đầu đời, khi trẻ bước vào độ tuổi này, kháng thể ngừa bạch hầu – uốn ván - ho gà đã giảm đáng kể.

Hồi năm 2019 - 2020, dịch bạch hầu đã bùng phát ở Tây Nguyên, khiến hàng nghìn người phải cách ly, hàng trăm người mắc bệnh và nhiều trường hợp tử vong. PGS-TS-BS Cao Hữu Nghĩa cho biết, đa số các ca mắc là thanh thiếu niên và người lớn chưa chủng ngừa hoặc chưa được chủng ngừa đầy đủ. Bên cạnh đó, thanh thiếu niên và người lớn nếu nhiễm vi khuẩn ho gà nhưng không được phát hiện hoặc không được điều trị sẽ trở thành “nguồn lây” bệnh trong cộng đồng.

Hiện nay, bệnh do nhiễm não mô cầu đã có vaccine phòng bệnh. Tại Việt Nam, vaccine não mô cầu có 2 loại (vaccine não mô cầu BC gồm 2 nhóm huyết thanh B và C, phác đồ tiêm 2 liều, khoảng cách tối thiếu giữa 2 liều từ 6-8 tuần và vaccine não mô cầu tứ giá cộng hợp 4 nhóm huyết thanh A, C, Y và W-135, tiêm 1 liều cho thanh thiếu niên và có thể tiêm một liệu nhắc lại cho người từ 15 đến 55 tuổi, nếu liều vaccine trước được tiêm trước đó ít nhất 4 năm)

Việc tiêm vaccine ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà cần được thực hiện suốt đời, tiêm nhắc mỗi 10 năm 1 lần để duy trì kháng thể phòng bệnh. CDC Hoa Kỳ và Hội Y học Dự phòng Việt Nam đã khuyến cáo tiêm mũi nhắc này cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Mũi tiêm nhắc bạch hầu – uốn ván – họ gà đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới, tạo miễn dịch cộng đồng, giúp ngăn chặn sự xuất hiện và lây lan dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục