Thành quả đầu tiên của UAE

Theo báo cáo vừa được Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Sheikh Mohammed bin Rashid công bố, kim ngạch thương mại hàng hóa phi dầu mỏ của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) lần đầu tiên vượt 1.000 tỷ dirham (288,06 tỷ USD) chỉ trong 6 tháng đầu năm nay. 
6 tháng đầu năm 2022, sân bay Dubai đón lượt hành khách tăng hơn 160% so với cùng kỳ
6 tháng đầu năm 2022, sân bay Dubai đón lượt hành khách tăng hơn 160% so với cùng kỳ

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa phi dầu mỏ đạt 180 tỷ dirham, tăng 8% và chiếm 17% tổng kim ngạch thương mại hàng hóa phi dầu mỏ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 19%, lên 580 tỷ dirham, chiếm 55% tổng kim ngạch thương mại hàng hóa phi dầu mỏ. Kim ngạch hàng hóa tái xuất khẩu cũng tăng 20% lên 300 tỷ dirham. 

UAE đang đặt mục tiêu gấp đôi quy mô nền kinh tế lên 3.000 tỷ dirham (hơn 816 tỷ USD) trong 10 năm tới. Để đạt được mục tiêu trên, chiến lược của UAE là tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu sản phẩm của ngành công nghiệp nặng, vận tải, hóa dầu, du lịch, công nghệ thông tin, viễn thông, năng lượng tái tạo, hàng không và vũ trụ và dịch vụ về dầu khí.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, sân bay Dubai đón 27,8 triệu lượt hành khách, tăng hơn 160% so với cùng kỳ 2021. Báo cáo mới nhất cũng cho thấy lưu lượng hoạt động tại sân bay này trong nửa đầu năm 2022 đạt 67,5% so với thời kỳ trước khi đại dịch bùng phát. 

Đây là một trong những thành tích bước đầu đáng khích lệ của UAE trong nỗ lực đa đạng hóa hoạt động kinh tế ngoài ngành kinh tế mũi nhọn dầu mỏ truyền thống. Theo đó, chủ trương của nước này là duy trì hợp tác với các đối tác và mở cửa thương mại với mục tiêu trở thành một nền kinh tế có bước phát triển nhảy vọt sau đại dịch Covid-19. 

6 tháng đầu năm, UAE đã ký Hiệp định Tự do thương mại với Ấn Độ, Israel, Indonesia. Theo Cơ quan Thống kê và Huy động công Trung ương Ai Cập (CAMPAS), các khoản đầu tư của UAE vào Ai Cập đã tăng lên 1,9 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, tăng 169% so với cùng kỳ.

Hai nước cùng với Jordan đã chính thức ký kết “Đối tác công nghiệp cho tăng trưởng kinh tế bền vững” để khởi động các dự án công nghiệp chung nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập công nghiệp, đạt được khả năng tự cung tự cấp và tích hợp chuỗi giá trị giữa 3 quốc gia.

Mới tháng trước, Tổng thống Mohammed ben Zayed đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Pháp mà nhiều nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm không chỉ là “cú bắt tay” cho sự bảo đảm của UAE về lượng dầu mỏ cung cấp cho Pháp thời gian tới, mà còn cho thấy quyết tâm thúc đẩy, đa dạng hóa các lợi ích hợp tác phát triển song phương từ nay tới năm 2030.

Quan hệ giữa UAE và Pháp đã phát triển đáng kể những năm gần đây. UAE là nơi đặt chi nhánh nước ngoài duy nhất của Bảo tàng Louvre của Pháp. Trong chuyến thăm 3 ngày của nhà lãnh đạo UAE, hai bên đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ và hợp đồng trong lĩnh vực giao thông vận tải, xử lý chất thải.

Ngoài ra, các chương trình và tài trợ hào phóng của chính phủ để giúp khởi động các doanh nghiệp công nghệ sáng tạo đã giúp UAE có môi trường khởi nghiệp nhộn nhịp 5 năm qua.

Theo xếp hạng năm 2022 của Forbes, UAE đứng đầu danh sách 50 công ty khởi nghiệp ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã huy động được nhiều tiền nhất từ các nhà đầu tư kể từ khi thành lập. Tổng cộng 22 công ty khởi nghiệp ở UAE đã đầu tư gần 1,8 tỷ USD kể từ ngày thành lập, chiếm hơn 60% tổng số tiền tài trợ của danh sách. 

Những bước đi đầu tiên cho thấy tầm nhìn của UAE đang gặt hái những thành quả đầu tiên. Trong bối cảnh thị trường dầu đang biến động mạnh, phát biểu trên truyền hình quốc gia hồi tháng trước, Tổng thống Mohamed bin Zayed Al Nahyan khẳng định, UAE vẫn là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.

Tổng thống cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh năng lượng toàn cầu bởi đây là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Tổng giá trị viện trợ nước ngoài do nước này cung cấp kể từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 8-2022 đã lên khoảng 3,5 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục