Thành phố thông minh hậu Covid-19

Kết quả cuộc khảo sát chỉ số thành phố thông minh do Viện Phát triển quản lý quốc tế (IMD) có trụ sở tại Thụy Sĩ vừa công bố cho biết, Singapore (Singapore), Helsinki (Phần Lan) và Zurich (Thụy Sĩ) được chọn là những thành phố thông minh hàng đầu thế giới.
Một góc TP Zurich (Thụy Sĩ)
Một góc TP Zurich (Thụy Sĩ)

Cuộc khảo sát diễn ra trong bối cảnh ngày càng gia tăng tranh cãi về xu hướng thiết kế đô thị trong tương lai thời hậu Covid-19. IMD đã thực hiện cuộc khảo sát đối với hơn 13.000 người tại 109 thành phố, trong đó tập trung vào việc người dân cảm nhận như thế nào về tác dụng của công nghệ trong các lĩnh vực, trong đó có y tế và an ninh, cơ hội, quản trị... Từ camera giao thông thông minh và dịch vụ taxi công nghệ đến giám sát ô nhiễm và sử dụng wifi miễn phí, các thành phố trên khắp thế giới đang chạy đua để nắm bắt công nghệ, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng người dân có thực sự cảm nhận được lợi ích hay không mới là vấn đề quan trọng.

Ngoài 3 thành phố đứng đầu, trong bảng xếp hạng 10 thành phố thông minh nhất thế giới còn có các thành phố lần lượt là Auckland (New Zealand), Oslo (Na Uy), Copenhagen (Đan Mạch), Geneva (Thụy Sĩ), Đài Bắc (lãnh thổ Đài Loan), Amsterdam (Hà Lan), New York (Mỹ).

Giới chuyên gia cho rằng các dự án xây dựng thành phố thông minh thường hướng đến các thành phố nhỏ.

Cụ thể trong trường hợp của Singapore, diện tích khiêm tốn của thành phố này cho phép họ đầu tư đáng kể vào công nghệ mà mọi người dân có thể tiếp cận được. Singapore vốn tự hào với danh hiệu “thành phố cây xanh” đặt môi trường và con người làm trọng tâm phát triển. Trong mọi chiến lược phát triển, Singapore vẫn luôn tính đến việc thiết kế các không gian trong nhà và ngoài trời tốt cho sức khỏe con người. Trong bối cảnh kinh tế suy giảm do tác động của dịch bệnh như hiện nay, Singapore trở thành mô hình thành phố thông minh vì con người mà phục vụ, sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo để xử lý mọi dữ liệu từ giao thông, ô nhiễm, an ninh công cộng, xe tự lái... giúp giảm thiểu các tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt chú trọng đến hệ sinh thái sức khỏe người dân. Chính phủ Singapore vẫn giữ vững quan điểm “công dân có khỏe mạnh thì thành phố mới khỏe mạnh”.

Thực tế, dù khái niệm thành phố thông minh đã xuất hiện từ vài năm nay trên thế giới nhưng mỗi quốc gia lại có một tiền đề khác, đòi hỏi cách thức tiếp cận khác. Tuy nhiên, hậu Covid-19 cũng sẽ khiến cho xu hướng các thành phố thông minh trên thế giới không đơn giản chỉ ứng dụng công nghệ mới mà còn phải đảm bảo ưu tiên sức khỏe người dân, góp phần nâng cao tiềm năng phát triển của thành phố.

Tin cùng chuyên mục