Chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XI Đảng bộ TPHCM, Đại hội XIII của Đảng

Thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển giáo dục thông minh, hiện đại

Giáo dục và đào tạo trên địa bàn TPHCM đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thông qua hàng loạt mô hình đột phá, như trường tiên tiến, hội nhập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục, triển khai các chương trình tiếng Anh, tin học theo chuẩn quốc tế…
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa học tập trong môi trường khang trang. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa học tập trong môi trường khang trang. Ảnh: HOÀNG HÙNG

 Đây là một trong những bước chuẩn bị quan trọng hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thành phố thông minh, hội nhập. 

Điểm son từ mô hình tiên tiến, hội nhập

Bắt đầu triển khai từ năm học 2016-2017, đến nay qua 4 năm thực hiện, mô hình trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế đã tạo ra làn gió mới trong dạy học theo định hướng đổi mới và sáng tạo. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2019-2020, toàn TP có 16 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 8 trường THCS và 3 trường THPT áp dụng mô hình tiên tiến.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, đánh giá, mô hình đã từng bước đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của học sinh, qua đó giúp các em tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế. Thông qua chương trình dạy học tiến bộ, cơ sở vật chất hiện đại, sĩ số học sinh/lớp lý tưởng, mô hình hướng đến việc nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh ở tất cả bậc học. 

Ở bậc mầm non, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (huyện Nhà Bè), cho biết, sĩ số các lớp học theo mô hình tiên tiến không quá 25 học sinh/lớp; trẻ được tham gia nhiều hoạt động như làm quen tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, học thể dục 10 môn phối hợp theo chương trình nước ngoài, tăng cường các giờ học năng khiếu, ngoại khóa nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và kỹ năng cho học sinh.

Tương tự, ở bậc tiểu học, 13 trường triển khai mô hình tiên tiến đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đảm bảo sĩ số không vượt quá 30 học sinh/lớp, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực với trang thiết bị hiện đại. Riêng ở hai bậc THCS và THPT, các trường đảm bảo tỷ lệ hơn 90% học sinh đạt trình độ A2 tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ quốc gia, có kiến thức và kỹ năng công nghệ thông tin theo chuẩn quốc tế; thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện thể chất…

Tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng nhà trường thông tin, năm học 2019-2020, lần đầu tiên trường đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp và kiểm tra, đánh giá học sinh. Em Dương Minh Thành, học sinh lớp 12A9, Trường THPT Nguyễn Du cho biết, mỗi học sinh được cung cấp một tài khoản cá nhân mang tính bảo mật. Khi tham gia khảo sát hướng nghiệp, các em được yêu cầu trả lời hơn 100 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 40 - 50 phút về sở thích, tính cách, mục tiêu cá nhân, để từ đó phần mềm khảo sát cho ra một số ngành nghề gợi ý ở nhiều lĩnh vực, trong đó cung cấp đầy đủ thông tin về mức lương, môi trường làm việc, nhu cầu thị trường, yêu cầu bằng cấp... 

Hiện nay, TP đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng ở mỗi quận huyện từ 1 - 3 trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế ở mỗi bậc học. Với các đơn vị đã triển khai mô hình tiên tiến từ những năm học trước, năm học này sẽ tiếp tục duy trì sĩ số học sinh/lớp, đảm bảo tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.

Riêng với những quận huyện chịu áp lực cao về dân số nên chưa thực hiện mô hình trường tiên tiến, sẽ có lộ trình và thời gian thực hiện phù hợp. Đặc biệt, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên cả nước bắt đầu thực hiện cuốn chiếu chương trình giáo dục phổ thông mới (còn gọi là chương trình giáo dục năm 2018). Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, đây sẽ là năm học mang tính “bản lề” quan trọng, giúp các trường đẩy mạnh các mô hình tiên tiến, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của các chương trình giáo dục. 

Đưa ngoại ngữ thành thế mạnh của học sinh TP

Là một trong 2 trường THPT chuyên của TP, nhiều năm qua, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) đã triển khai mô hình tăng cường giảng dạy môn tiếng Anh, đồng thời đẩy mạnh việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh thông qua chương trình tích hợp. Th.S Phạm Thanh Yên, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết, thống kê cuối năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh ở cả hai cấp học THCS và THPT của trường được cấp các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đều ở mức cao, trong đó hầu hết là các chứng chỉ FLYERS, TOEFL JUNIOR, IELTS…

Có được kết quả này, bên cạnh chương trình giáo dục phổ thông tiếng Anh của Bộ GD-ĐT, trường đã mạnh dạn triển khai thêm nhiều giáo trình bổ trợ và nâng cao, qua đó tăng cường thêm khả năng giao tiếp, nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh. Ngoài ra, đơn vị còn chú trọng mở rộng quan hệ đối ngoại với các trường THCS, THPT, viện, trường đại học trong và ngoài nước nhằm tăng thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, đăng ký hồ sơ du học và nhận học bổng cho học sinh. Đặc biệt, từ năm học 2019-2020, nhà trường triển khai thêm Đề án “Tăng cường giảng dạy ngoại ngữ 2” giúp học sinh bên cạnh thế mạnh là tiếng Anh, còn có kỹ năng giao tiếp thêm một ngoại ngữ khác. 

Nhìn lại kết quả kỳ thi THPT quốc gia trong 3 năm liên tục (2017, 2018 và 2019), TPHCM là địa phương dẫn đầu cả nước về điểm trung bình môn tiếng Anh. Ngoài ra, tỷ lệ thí sinh có điểm thi môn tiếng Anh từ 8 trở lên cũng cao nhất nước. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, chất lượng học tập môn tiếng Anh của học sinh TP được nâng cao nhờ sự hỗ trợ khá lớn từ các trung tâm ngoại ngữ. Toàn TP hiện có hơn 700 trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động, đóng góp nguồn lực không nhỏ vào công tác giảng dạy tiếng Anh cho học sinh.

Thêm vào đó, vào năm 2012, TP tổ chức khảo sát chất lượng giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, kết quả chỉ có khoảng 5% giáo viên đạt yêu cầu. Trước thực tế đó, Sở GD-ĐT TP đã chủ động tham mưu UBND TP dùng ngân sách nhà nước tiến hành bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Đến nay, sau nhiều năm thực hiện, đã có hơn 70% giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn. Năm học 2019-2020, giáo viên tiếng Anh tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, kỹ năng và phương pháp giảng dạy không ngừng nâng cao, qua đó đáp ứng yêu cầu dạy và học ngoại ngữ chất lượng cao của học sinh TP.

Phát triển phong trào nghiên cứu khoa học trong trường học

Đầu năm học 2019-2020, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) đã khánh thành 5 phòng học thông minh với tivi tương tác và phần mềm học liệu số 3D Mozabook, tạo điều kiện cho học sinh học các môn khoa học với hình ảnh 3D trực quan, sinh động. Ngoài ra, trường còn phát triển phòng thực hành STEM với kính thực tế ảo, áp dụng công nghệ 3D vào quá trình dạy học. Kết quả của những nỗ lực này, một robot do Câu lạc bộ STEM Robotics của trường thực hiện với tên gọi Moza, đã trở thành người bạn đồng hành cùng học sinh và giáo viên trong suốt năm học. Robot có thể trả lời một số câu hỏi đơn giản, thực hiện các hiệu lệnh cơ bản, tạo sự hứng thú và thổi lửa đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học cho học sinh. 

Hiện nay, nhiều đơn vị trường học khác như: THCS Lý Thánh Tông (quận 8), THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp)… cũng triển khai hiệu quả phòng học STEM, nhằm mang đến cho học sinh không gian học tập sáng tạo, nguồn học liệu số phong phú, tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ thông tin vào dạy học, hướng đến mục tiêu xây dựng trường học thông minh.

Tin cùng chuyên mục