Thành phố Hồ Chí Minh: Nghĩa tình, tri ân những người có công với đất nước

Giữ gìn, trân trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống nghĩa tình, Đảng bộ, chính quyền cùng các tầng lớp nhân dân TP trong nhiều năm qua có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, động viên, thể hiện trách nhiệm và tình cảm biết ơn sâu sắc đối với thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tường nhân Ngày Thương Binh - Liệt sĩ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tường nhân Ngày Thương Binh - Liệt sĩ. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng đã không tiếc máu xương, chấp nhận những mất mát, hy sinh cho nền độc lập của Tổ quốc hôm nay. Đất nước ta, nhân dân ta mãi mãi khắc ghi, trân trọng ghi ơn và nguyện đền đáp công lao to lớn đó. Đó là bổn phận, trách nhiệm, là tình cảm, tấm lòng của thế hệ đi sau đối với bao thế hệ cách mạng đi trước” - Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, mở đầu như trên khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP về việc thực hiện chính sách đối với người có công tại TP.

PHÓNG VIÊN: Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn tiếp nối và phát huy những giá trị truyền thống nhân ái, nghĩa tình, nhất là đối với những hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Xin đồng chí nói rõ thêm về truyền thống quý báu này của TPHCM?
Đồng chí TẤT THÀNH CANG: Giữ gìn, trân trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống nghĩa tình, Đảng bộ, chính quyền cùng các tầng lớp nhân dân TP trong nhiều năm qua có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, động viên, thể hiện trách nhiệm và tình cảm biết ơn sâu sắc đối với thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong đó, nổi bật là các chương trình: xây tặng nhà tình nghĩa; phụng dưỡng và nâng trợ cấp Mẹ Việt Nam anh hùng; chăm sóc thương bệnh binh nặng; đảm bảo các chế độ trợ cấp đối với người có công; động viên được nhiều nguồn lực nhằm giải quyết chính sách về nhà ở, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ giải quyết việc làm, chăm sóc y tế; giải quyết kịp thời chế độ chính sách đối với bộ đội phục viên, xuất ngũ… 
Không chỉ chăm lo các đối tượng chính sách ở TPHCM, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cả trong và ngoài hệ thống chính trị của TP còn mở rộng ra nhiều địa phương trong cả nước, ở những vùng khó khăn, vùng kháng chiến cũ, những vùng đất chịu nhiều đau thương, mất mát trong hai cuộc kháng chiến gian khổ. Những hoạt động ý nghĩa trên càng tôn lên giá trị nhân văn tốt đẹp, trở thành truyền thống quý báu của một TP nghĩa tình và tiếp nối cho thế hệ sau gìn giữ, không ngừng phát huy.
Những năm qua TPHCM đã có những chính sách gì đối với người có công, thưa đồng chí?
Hiện nay, TPHCM có 271.129 người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Trong đó có 50.160 liệt sĩ, 5.184 Mẹ Việt Nam Anh hùng (có 280 mẹ còn sống), 26.174 thương binh, 3.549 bệnh binh, 5.780 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 10.302 người hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày, 26.109 người có công giúp đỡ cách mạng… Ngoài chính sách trợ cấp theo quy định của Nhà nước, TP đã vận dụng thêm nguồn ngân sách để lại, vận động các nguồn lực của xã hội để nâng nhiều chế độ chính sách cho các đối tượng, như: nâng kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa; nâng mức hỗ trợ thêm để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà cho đối tượng là người có công với cách mạng; tăng mức hỗ trợ sinh hoạt cho các đối tượng chính sách có công đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè; trợ cấp thêm ngoài quy định cho tất cả Mẹ Việt Nam Anh hùng… Những chính sách quan tâm, hỗ trợ trên đã góp phần giúp các gia đình chính sách, người có công ngày càng nâng cao đời sống so với mức chung của cộng đồng.
Sau hơn 40 năm kết thúc chiến tranh, nhiều liệt sĩ tới nay vẫn chưa tìm được hài cốt, TP quan tâm công việc này như thế  nào?   
Thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, đến nay TPHCM đã hoàn thành tổng hợp việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; tập trung rà soát, kiện toàn hồ sơ, tài liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ở các địa phương, đơn vị; từng bước thông tin rộng rãi về liệt sĩ, mộ liệt sĩ đến các địa phương và gia đình liệt sĩ… Hiện nay, TP đang tập trung mọi nguồn lực, sử dụng mọi thông tin, tài liệu có được để tiến hành khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên nhiều địa bàn của 24 quận, huyện. Trong đó, các lực lượng của Bộ Tư lệnh TP đang khảo sát, tìm kiếm một khu mộ tập thể bộ đội Việt Nam hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất Tết Mậu Thân 1968, theo thông tin do các đơn vị, cá nhân liên quan cung cấp. Hiện công việc đang được tiến hành khẩn trương, thận trọng, với quyết tâm tìm bằng được hài cốt các liệt sĩ từ những manh mối nhỏ nhất, để đưa các anh, các chị về với gia đình, quê hương. 
TPHCM sẽ làm gì trong thời gian tới để tiếp tục phát huy truyền thống nghĩa tình, tri ân những người có công với đất nước, thưa đồng chí? 
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, TPHCM đã tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng theo 3 mức: 2 triệu đồng/suất (593 suất), 1 triệu đồng/suất (989 suất) và 500.000 đồng/suất (77.062 suất), tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. 
Ngoài ra, TP còn tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách; phối hợp tổ chức cầu truyền hình giao lưu nghệ thuật tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng tại 5 điểm cầu Hà Nội, TPHCM, Quảng Trị, Điện Biên và Thái Nguyên; tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP và các đài tưởng niệm trên địa bàn 24 quận, huyện.
Trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển TP, ở mỗi giai đoạn khác nhau, Ban Thường vụ Thành ủy đều luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, với nhiều chủ trương, chính sách và vận động nhân dân phát huy truyền thống cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, tự giác, tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, đưa các hoạt động đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả thiết thực. Thông qua các phong trào đã khơi dậy được tinh thần yêu nước, trách nhiệm của nhân dân TP. 
Các hoạt động thăm viếng, chăm lo thương binh, liệt sĩ, người có công, gia đình chính sách, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng… không chỉ được thực hiện vào dịp kỷ niệm các ngày lễ, mà nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân đã biến điều đó thành công việc định kỳ, thường xuyên. Qua đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đối với những người đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là tài sản vô giá, là động lực để mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, mỗi cán bộ, công chức và toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy, góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 
Xin cảm ơn đồng chí!

Tin cùng chuyên mục