Thanh niên lập gia đình, muốn xây sửa nhà không được vì quy hoạch “treo”

Phó Bí thư đoàn xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh có ý kiến liên quan đến quy hoạch khu E kéo dài từ 1992 đến nay chưa thực hiện: “Thanh niên đến tuổi lập gia đình có nhu cầu sửa chữa xây nhà ở nhưng không thể làm được do vướng quy hoạch". 

Ngày 24-3, tổ Đại biểu HĐND TPHCM đơn vị 25, 26 tiếp xúc cử tri thanh niên huyện Bình Chánh.

Các ĐB gồm: Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh; Huỳnh Thị Kim Xuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM; Trần Ngọc Dung, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A.

Thanh niên lập gia đình, muốn xây sửa nhà không được vì quy hoạch “treo” ảnh 1 Cử tri thanh niên huyện Bình Chánh đặt câu hỏi trước các ĐB HĐND TPHCM. Ảnh: MAI HOA

Tại buổi tiếp xúc, cử tri thanh niên huyện Bình Chánh đặt nhiều vấn đề với các đại biểu. Bí thư Đoàn xã Vĩnh Lộc B Huỳnh Thị Trúc Vy đề nghị tổ ĐB cần có ý kiến cho các xã đông dân như Vĩnh Lộc B về việc thiếu nhân sự do thực hiện Nghị định 34.

Theo cử tri, lượng công việc hàng ngày phải thực hiện rất nhiều, nên không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng làm việc.

Trong khi đó, cử tri Đặng Thị Thanh Ngân, Bí thư đoàn Trung tâm y tế cũng cho biết công việc tại các trạm y tế suốt thời gian chống dịch vừa qua rất vất vả. Hiện nay, số ca F0 vẫn còn cao và có xu hướng tăng lên. Cử tri đề nghị huyện Bình Chánh và TPHCM cần đầu tư nâng cấp y tế cơ sở, hỗ trợ kinh phí cho các trạm y tế.

Thanh niên lập gia đình, muốn xây sửa nhà không được vì quy hoạch “treo” ảnh 2 Các ĐB HĐND TPHCM tiếp xúc cử tri thanh niên huyện Bình Chánh

Cử tri Nguyễn Thanh Minh, Phó Bí thư đoàn xã Bình Hưng trăn trở về vấn đề tín dụng đen.

“Đoàn thanh niên cũng giới thiệu các nguồn vốn vay, nhưng tình trạng này vẫn còn, ngày càng có nhiều thủ đoạn mới. Chúng tôi kiến nghị cần có biện pháp chế tài với các trường hợp cho vay tín dụng đen”, cử tri Minh nói.

Vấn đề quy hoạch, dự án kéo dài thời gian không thực hiện cũng được các cử tri thanh niên huyện Bình Chánh đề cập nhiều lần. Cử tri Thúy Hằng, Phó Bí thư đoàn xã An Phú Tây có ý kiến liên quan đến quy hoạch khu E kéo dài từ 1992 đến nay chưa thực hiện.

Cử tri trăn trở: “Thanh niên đến tuổi lập gia đình có nhu cầu sửa chữa xây nhà ở nhưng không thể làm được do vướng quy hoạch. Đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch”.

Trong khi đó, theo cử tri Võ Trần Thanh Tuyền, Phó Bí thư đoàn xã Hưng Long, quy hoạch sử dụng đất hiện không còn phù hợp thực tế, một số xã có dự án kéo dài như ở xã Bình lợi, An Phú Tây, Hưng Long… ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống người dân.

Ngoài ra, cử tri thanh niên huyện Bình Chánh còn bày tỏ quan tâm đến vấn đề môi trường, ô nhiễm kênh rạch trên địa bàn; vấn đề hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; sự tham gia của thanh niên vào xây dựng đô thị thông minh…

Thanh niên lập gia đình, muốn xây sửa nhà không được vì quy hoạch “treo” ảnh 3 Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Thị Kim Dung

Lãnh đạo các phòng ban liên quan và UBND huyện Bình Chánh đã lần lượt trả lời từng ý kiến cử tri.

ĐB Nguyễn Thị Kim Dung phát biểu nhấn mạnh, Bình Chánh đang thực hiện đô thị thông minh, thanh niên sẽ là những người trau dồi, tiếp cận công nghệ thông tin để có đóng góp, hiến kế cho huyện trong thời gian tới.

ĐB bày tỏ mong muốn các cử tri thanh niên tiếp tục đồng hành, tiếp sức để có những công trình thanh niên ở cơ sở gắn liền với nông thôn mới, với các tiêu chí để huyện lên thành phố.

Thanh niên lập gia đình, muốn xây sửa nhà không được vì quy hoạch “treo” ảnh 4 ĐB Tô Thị Bích Châu tiếp thu ý kiến cử tri thanh niên. Ảnh: MAI HOA

ĐB Tô Thị Bích Châu trao đổi, chia sẻ với cử tri thanh niên huyện Bình Chánh những vấn đề cử tri quan tâm. ĐB chia sẻ với khó khăn của công chức thanh niên ở những xã lớn, đông dân như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B.

Theo ĐB, để phát huy được sức trẻ thanh niên ở những địa bàn này phải tạo điều kiện, hỗ trợ thiết thực cho thanh niên.

“Phản ánh của cử tri thanh niên về những dự án chậm triển khai, bức xúc của các bạn cũng là bức xúc của chúng tôi, để chúng tôi mang nỗi lòng này của cử tri lên nghị trường, đề nghị những giải pháp quyết liệt hơn”, ĐB Tô Thị Bích Châu nói.

Hai vợ chồng lương 11 triệu, đến khi nào có nhà ở?

Tại buổi tiếp xúc cử tri, anh Trần Văn Khang, giáo viên Tổng phụ trách đội Trường THCS Vĩnh Lộc B, Bình Chánh đặt vấn đề về nhà ở xã hội dành cho cán bộ công chức có thu nhập thấp.

Theo cử tri này, TP đã có nhiều chính sách để các đối tượng này tiếp cận nhà ở xã hội, nhưng có những điểm chưa thật sự hợp lý. Trong đó, người mua phải có sẵn 30% giá trị căn hộ, tức 300-400 triệu đồng, đồng thời phải trả lãi hàng tháng. Với mức thu nhập của hai vợ chồng anh sau 9 năm ra trường là 11 triệu đồng thì không biết khi nào mới có nhà để ở.

Chia sẻ với khó khăn này, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Phan Thị Cẩm Nhung cho biết, Phòng Nội vụ huyện đã triển khai cho các đơn vị về điều kiện mua nhà ở xã hội. Từ ý kiến này của cử tri, tới đây, các phòng ban chuyên môn sẽ rà soát các trường hợp khó khăn, đề xuất mức hỗ trợ để thanh niên dễ tiếp cận hơn với nhà ở xã hội.

Tin cùng chuyên mục