Thành lập lực lượng an ninh bảo vệ trật tự ở cơ sở: Lo tăng người, tăng chi phí

“Bộ trưởng Bộ Nội vụ nghĩ gì khi có thêm hàng trăm ngàn người ăn lương từ ngân sách”, ĐB Nguyễn Mai Bộ phát biểu.
ĐB Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại hội trường sáng 17-11. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại hội trường sáng 17-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Sáng 17-11, sau khi họp riêng biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng, kinh tế, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Thẳng thắn bình luận rằng những số liệu về số người và chi phí cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở trong Tờ trình là không chính xác, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ (ĐB An Giang) nói, theo tính toán của cơ quan trình dự án Luật này, cả nước có 1,5 triệu người trên toàn quốc tham gia lực lượng trên và hưởng ngân sách. Nếu Luật được thông qua, chúng ta sẽ giảm được 500.000 người. Song theo tính toán của ĐB thì các lực lượng cơ sở sẽ làm tăng biên chế thêm 804.000 người ăn lương từ ngân sách địa phương; đây là một gánh nặng lớn đối với các địa phương, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác. “Bộ trưởng Bộ Nội vụ nghĩ gì khi có thêm hàng trăm ngàn người ăn lương từ ngân sách”, ĐB Nguyễn Mai Bộ phát biểu.

Có cùng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) khẳng định, lực lượng chỉ có tăng chứ không giảm và “chịu trách nhiệm về độ chính xác của số liệu”. Lực lượng ở các địa phương là rất khác nhau, số người thực tế đang làm việc cũng như thù lao được hưởng ít hơn nhiều so với Tờ trình. “May ra chỉ có TPHCM và Hà Nội có mức chi như thế, chứ ở Đồng Tháp chúng tôi, Trưởng ban Bảo vệ tổ dân phố chỉ được hưởng 800.000 đồng/ tháng, lấy đâu ra mỗi địa phương chi cả tỷ đồng mỗi tháng cho lực lượng này”, ĐB Hòa nói.

Thành lập lực lượng an ninh bảo vệ trật tự ở cơ sở: Lo tăng người, tăng chi phí ảnh 1 ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC
Cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chưa bao quát được hết tất cả các lực lượng, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) chỉ rõ, ngoài các lực lượng đã nêu trong dự thảo còn có các tổ chức và cá nhân khác, trong đó có “hiệp sĩ đường phố”.

Ông Tám bình luận: “Dự thảo hầu như chỉ có ý nghĩa sáp nhập, chính quy hoá 3 lực lượng hiện có. Báo cáo nói giảm 500.000 người và 375 tỷ đồng/tháng nhưng lại chưa tổng hợp, phân tích đầy đủ sau khi tổ chức lại lực lượng thì số người và chi phí sẽ ra sao”. Tuy tán thành ban hành Luật, song ĐB đề nghị thiết kế lại để đúng với tính chất tự nguyện, tự quản của lực lượng này, đúng với định hướng xây dựng “thế trận an ninh nhân dân” của Đảng và Nhà nước.

Thành lập lực lượng an ninh bảo vệ trật tự ở cơ sở: Lo tăng người, tăng chi phí ảnh 2 ĐB Tô Văn Tám phát biểu tại tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng đặt vấn đề về sự cần thiết và thời điểm ban hành Luật vì theo ông, vấn đề chưa được nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc, khách quan. Về các nội dung cụ thể, ĐB lưu ý, khi lực lượng này thực hiện nhiệm vụ mà không có công an ở đó thì thực thi pháp luật thế nào, trong khi họ thực hiện một số việc ảnh hưởng đến tính mạng sức khoẻ của người dân…

Tuy nhiên, các ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), Đào Thanh Hải (Hà Nội) bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật. ĐB Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở và cho rằng thực hiện Luật này chỉ là tổ chức lại lực lượng đang có, đang làm nhiệm vụ chứ không làm phát sinh thêm biên chế.

Tin cùng chuyên mục