Thanh Hóa trưng bày 3 bảo vật quốc gia

Nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân và học sinh, từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa mở cửa giới thiệu 3 bảo vật quốc gia gồm: Trống đồng Cẩm Giang; Kiếm ngắn Núi Nưa và Vạc đồng Cẩm Thủy.
Bảo tàng Thanh Hóa giới thiệu 3 bảo vật quốc gia đến nhân dân và học sinh.

Trống đồng Cẩm Giang thuộc niên đại Văn hóa Đông Sơn muộn, cách đây khoảng 2.000 năm. Đây là hiện vật gốc độc bản thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Tính đến thời điểm hiện tại ở nước ta chưa phát hiện được chiếc trống nào đẹp như trống Cẩm Giang.

Căn cứ vào kiểu dáng và hoa văn trang trí, các nhà khoa học xác định trống Cẩm Giang thuộc loại HI Heger, nhóm C1.

Thanh Hóa trưng bày 3 bảo vật quốc gia ảnh 2 Trống đồng Cẩm Giang (giữa) cùng các trống đồng thuộc văn hóa Đông Sơn.

Trống đồng Cẩm Giang có đường kính mặt 73cm, đường kính chân 73cm, cao 49,1cm, nặng 60kg. Mặt chính giữa trống là hình ngôi sao 16 cánh, từ tâm ra ngoài trang trí 9 vòng hoa văn. Rìa mặt trống có 4 tượng vịt đắp nổi quay ngược chiều kim đồng hồ. Đây là điểm khác biệt mà không trống đồng nào có. Tang trống có 5 vành hoa văn, lưng trống có 3 vành hoa văn. Trống có 2 đôi quai kép hình chữ C, rìa ngoài trang trí đường gờ nổi.

Thanh Hóa trưng bày 3 bảo vật quốc gia ảnh 3 Mặt trống đồng Cẩm Giang có tượng vịt đắp nổi, là nét khác biệt so với các loại trống đồng khác.

Kiếm ngắn núi Nưa có niên đại văn hóa Đông Sơn muộn, cách nay khoảng 2.000 năm, được sưu tầm dưới chân núi Nưa thuộc xã Tân Ninh (huyện Triệu Sơn) năm 1961.

Kiếm được làm bằng đồng, dài 46,5cm, rộng 5cm, cán dài 18cm, nặng 620g, có kiểu chuôi và lưỡi hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã.

Kiếm có giá trị lịch sử rất đặc biệt vì gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu tại núi Nưa những năm đầu thế kỷ thứ III sau Công nguyên.

Thanh Hóa trưng bày 3 bảo vật quốc gia ảnh 4 Kiếm ngắn núi Nưa.

Vạc đồng Cẩm Thủy là một tiêu bản hoàn hảo, độc đáo, mang tính địa phương rõ rệt, thuộc thời kỳ Lê Trung Hưng. Căn cứ vào hoa văn trang trí và dòng minh văn còn rõ trên miệng vạc cho thấy vạc đồng này do quan Khâm sai huyện Cẩm Thuỷ cho đúc ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thân (1752).

Thanh Hóa trưng bày 3 bảo vật quốc gia ảnh 5 Vạc đồng Cẩm Thủy.

Vạc đồng Cẩm Thủy có đường kính miệng 134,4cm, đường kính đáy 115cm, cao 79,8cm, trọng lượng ước tính khoảng 3 tấn. Vạc có dáng hình trụ, miệng hơi loe, thành miệng vát, đáy lồi; trên miệng gắn 6 quai to hình chữ U trang trí hình vặn thừng cách đều nhau; bên trong thành miệng tạo gờ, giữa tai quai trang trí hoa văn các chấm tròn nổi tạo thành bông hoa 5 cánh.

Tin cùng chuyên mục