Thanh Hóa: Đưa người sống trên sông lên bờ an cư

Lên bờ an cư, đó là giấc mơ bao đời của người dân sống trên sông, nhưng đó chỉ là giấc mơ “sóng dạt bèo trôi”. Nhưng, với người dân sống trên sông ở tỉnh Thanh Hóa thì giấc mơ này đang thành hiện thực.

Làng chài cầu Sâng (TP Thanh Hóa) sắp được đưa lên bờ an cư, thoát cảnh "sóng dạt bèo trôi"
Chủ trương đưa người dân sống trên sông lên bờ được tỉnh Thanh Hóa triển khai bài bản, quyết liệt, đồng bộ với mục đích đưa tất cả các hộ dân sống trên sông lên bờ. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Việc đưa người dân sống trên sông lên bờ an cư, ổn định cuộc sống “là việc làm hết sức có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách”, không một ai bị bỏ lại phía sau”.
 Thoát cảnh “sóng dạt bèo trôi”

Như hàng chục hộ dân ở làng chài cầu Sâng (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa), gia đình ông Nguyễn Văn Tuyết 5 người phải xoay trở trên chiếc thuyền cũ rộng khoảng 15m2. Hằng ngày, cứ khoảng 4 giờ sáng cả nhà phải thức dậy rẽ sóng thả lưới kiếm cá mưu sinh, bất kể mùa đông giá lạnh hay ngày nắng cháy da. Nguồn sống của gia đình ông phụ thuộc cả vào sông. “Nhưng sông giờ hiếm cá tôm lắm, không còn như xưa, nên gia đình tôi cũng sống tạm bữa qua ngày thôi. Bây giờ đủ ăn là may lắm rồi”, ông Tuyết cho hay.

Ông Tuyết kể: Gia đình ông từ ông bà, cha mẹ, đến ông rồi các con ông sống lênh đênh nay đây mai đó, lấy bến sông cầu Sâng làm nơi neo đậu, nhưng vẫn là “kiếp lênh đênh”. Ông không thể nghĩ được rằng, một ngày nhận được thông báo của chính quyền địa phương rằng gia đình ông và làng chài cầu Sâng sẽ được cấp đất, hỗ trợ xây nhà.

Ông Tuyết rưng rưng: “Khi nhận được thông tin ấy chúng tôi không tin. Làm sao có thể tin được! Người dân vạn chài làm không đủ sửa cái thuyền cho lành chứ tiền đâu mà mua đất, nhất là đất thành phố. Nhưng bây giờ thì thật rồi, chúng tôi được lên bờ thật rồi!”.

Ông Nguyễn Văn Chinh, “hàng xóm” của ông Tuyết cũng không giấu nổi niềm vui. Gia đình ông có tới 9 người con và cả 9 người đều sống “kiếp lênh đênh” như bố mẹ, ông bà.

“Tôi cứ ngỡ mình sẽ phải sống trọn kiếp lênh đênh trên chiếc thuyền này, nhưng rồi cuối đời tôi cũng được sống trên đất. Vui nhất là thế hệ con và các cháu tôi sẽ không phải sống lang bạt, mà có nơi trú ngụ nhất là khi mưa gió bão bùng. Tôi thật không biết nói gì hơn là cảm ơn lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố và phường”, ông Chinh cảm kích.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Qua rà soát, đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa có 353 hộ dân sinh sống trên sông, trong đó, huyện Thọ Xuân có 81 hộ, Thiệu Hóa 54 hộ, Cẩm Thủy 1 hộ, Vĩnh Lộc 4 hộ, Thạch Thành 5 hộ, Yên Định 84 hộ và TP Thanh Hóa 124 hộ.

Chủ trương đưa các hộ dân sống trên sông lên bờ đã được sự đồng thuận từ cấp lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thanh Hóa cho đến các tầng lớp nhân dân, từ các đoàn thể xã hội cho đến các dòng họ….

Việc triển khai thực hiện chủ trương này được Tỉnh ủy Thanh Hóa xem là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và kết quả xếp loại hàng năm của từng cán bộ chủ chốt, người đứng đầu đơn vị có liên quan.

Thanh Hóa: Đưa người sống trên sông lên bờ an cư ảnh 2 Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng và Giám mục Giáo phận Thanh Hóa Nguyễn Đức Cường trao tiền hỗ trợ cho các hộ đồng bào công giáo sinh sống trên sông ở xã Đinh Tiến (huyện Yên Định) xây nhà ổn định cuộc sống. Ảnh: Báo Thanh Hóa
Đến nay, tất cả các địa phương có hộ dân vạn chài sinh sống đã tìm và bố trí được quỹ đất, đang tiến hành làm các thủ tục để phân đất cho người dân xây nhà. Về kinh phí, ngoài hỗ trợ từ ngân sách, tỉnh Thanh Hóa đã huy động thêm từ các tổ chức, nhà hảo tâm, đặc biệt là phát động phong trào tương thân tương ái trong các dòng họ có người sống trên sông.

Theo kế hoạch đề ra, chậm nhất đến 30-6-2023, các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thạch Thành và Yên Định sẽ hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ người dân xây dựng nhà. Riêng TP Thanh Hóa chậm nhất đến ngày 31-12-2023 phải hoàn thành.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh, “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” không phải lời hô hào khẩu hiệu, mà đang và phải được thực hiện bằng tinh thần sẻ chia, đồng cảm, thương yêu và hơn hết là bằng “mệnh lệnh từ trong trái tim” mỗi người. Việc quan tâm, chăm lo cho cộng đồng dân cư sinh sống trên sông không chỉ là nhiệm vụ xuất phát từ lương tri, mà còn là một mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững của tỉnh Thanh Hóa.

Tin cùng chuyên mục