Thành bại do người đứng đầu

Giáo dục là câu chuyện của mọi gia đình, của mỗi người. Ông bà, cha mẹ nào cũng mong đầu tiên là con cháu mình được khỏe mạnh, sau đó là sống tử tế, học hành tiến bộ. Nền giáo dục của chúng ta vẫn đang đi trên con đường đổi mới, cả xã hội dõi theo và mong chờ kết quả.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, trong giờ học môn Tiếng Việt. Ảnh: VIẾT CHUNG
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, trong giờ học môn Tiếng Việt. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đổi mới từ cái tâm

Cô Nguyễn Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Thị Kim Liên, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau (ngôi trường đầu tiên ở huyện Thới Bình được Chính phủ tặng cờ thi đua dẫn đầu phong trào thi đua cấp tiểu học của tỉnh Cà Mau năm học 2018-2019), cho rằng, chất lượng giáo dục trước hết phải là chất lượng đội ngũ, không thể nâng chất lượng giáo dục khi đội ngũ nhà giáo yếu về chuyên môn, thiếu nhiệt huyết và thiếu tấm lòng “vì học sinh thân yêu”. Mà những điều đó, nhiều khi không cần dự án nào cũng có thể thực hiện một cách hiệu quả. Theo cô, giáo viên quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục, nên cần xây dựng lòng yêu nghề. “Đây là yêu cầu có tính bắt buộc. Nhà giáo là người làm giáo dục, nếu không yêu nghề làm sao tận tụy với công việc? Nếu không yêu trò làm sao hết lòng với các em? Tôi luôn coi đây là tiêu chí quan trọng để nâng dần chất lượng đội ngũ, phải làm thường xuyên và thực hiện cho được. Chuyên môn lúc đầu có thể chưa khá, chưa giỏi nhưng nếu có tâm huyết với nghề, với trò, có sự nỗ lực của từng giáo viên sẽ tiến bộ rất nhanh”, cô Nhàn chia sẻ. Thực tế, trường của cô có một số giáo viên đào tạo không chính quy nhưng nhờ yêu nghề, chịu học hỏi, rất nỗ lực nên họ trở thành giáo viên khá giỏi. Với cái tâm của người đứng đầu như thế, Trường Tiểu học Huỳnh Thị Kim Liên luôn là trọng điểm chất lượng cao - lá cờ đầu cấp tiểu học của huyện Thới Bình.

Năm học 2020, xã hội xôn xao với việc dạy sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới có nhiều khó khăn, áp lực với cả thầy và trò. SGK lớp 1 mới trở thành vấn đề rất nóng trên công luận. Thế nhưng, ở nhiều trường tiểu học, mọi việc diễn ra hết sức bình thường, đó là bởi hiệu trưởng ở những trường đó đã có một tâm thế chuẩn bị rất tốt cho cả giáo viên, phụ huynh. Cô Nguyễn Thị Ngọc Tươi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, cho biết, ngay từ đầu, nhà trường xác định đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của việc triển khai chương trình SGK phổ thông mới, do đó, từ những năm học trước, trường đã quan tâm đến việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ. Tranh thủ những ngày học sinh nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, trường tổ chức cho toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu 5 bộ SGK lớp 1. Việc tìm hiểu, nhận xét từng bộ sách được nhà trường thực hiện khá bài bản theo từng tổ nhóm và từng bộ môn. “Việc được chọn SGK lớp 1 là cơ hội, cũng là trách nhiệm của nhà trường, trong đó hiệu trưởng đứng đầu hội đồng lựa chọn SGK nên tôi phải nghiên cứu sâu, cùng hội đồng lựa chọn kỹ. Chọn sách là chọn cho học sinh và giáo viên - hai chủ thể sử dụng SGK”, cô Nguyễn Thị Ngọc Tươi chia sẻ. Trường cũng tạo tâm thế cho phụ huynh học sinh về chương trình, SGK mới qua các buổi đối thoại, họp phụ huynh, thư điện tử… Trường đã tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, công khai minh bạch những vấn đề về dạy SGK mới, nên mang lại hiệu quả cao trong công tác dạy và học. 

Sáng tạo không ngừng 

Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội là một trường công lập nổi tiếng nhất quận Cầu Giấy (Hà Nội) bởi chất lượng đầu vào, đầu ra đều “ngon lành”. Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, cũng là một hiệu trưởng được đánh giá có tâm, có tầm, đóng góp nhiều cho sự thành công của trường. Ở Trường THPT Yên Hòa, cô Nguyễn Thị Nhiếp bước sang năm thứ 5 làm hiệu trưởng, cũng là năm thứ 5 nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới, năm thứ 5 sinh hoạt chuyên môn với những chuyển biến ngày càng tích cực. Điều đó khiến giáo viên say nghề hơn, học sinh có kiến thức thêm vững vàng, năng động và nhiệt thành. Theo cô, đổi mới giáo dục là câu chuyện dài, nhưng ở bậc phổ thông, muốn đổi mới, trước hết mỗi trường phải chủ động và sáng tạo xây dựng kế hoạch giáo dục hàng năm. Đó cũng chính là xây dựng uy tín của nhà trường. “Nhà quản lý và giáo viên ở cơ sở nào mà thấy thiếu thiếu khi trường mình hơi lắng các hoạt động đổi mới giáo dục, thì đó là một cơ sở giáo dục tiến bộ và phát triển. Dù ở ngôi trường nào, mô hình gì, hiệu trưởng phải luôn tư duy làm thế nào để mỗi hoạt động giáo dục của nhà trường bồi dưỡng được năng lực nghề nghiệp và nhen lửa nhiệt huyết cho đội ngũ giáo viên”, cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.

TS Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng nổi danh là một hiệu trưởng có tâm, có tầm trong ngành giáo dục. Cơ chế trường công tự chủ tài chính đòi hỏi nhà trường phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên giỏi, làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả và tận tâm với nghề. Cô đã xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên công bằng, minh bạch. Học sinh, cha mẹ học sinh đánh giá giáo viên bằng phiếu hỏi do nhà trường thiết kế. Trường còn tổ chức bình chọn giáo viên, nhân viên tiêu biểu bằng cách bỏ phiếu. Hội đồng nhà trường bình chọn “Nhân viên hành chính tiêu biểu”; giáo viên chủ nhiệm bình chọn “Giáo viên bộ môn tiêu biểu”; giáo viên bộ môn bình chọn “Giáo viên chủ nhiệm tiêu biểu”. “Chúng tôi sử dụng kết quả đánh giá để khen thưởng. Rồi còn có khen thưởng đột xuất những giáo viên có thành tích nổi bật trong những hoạt động lớn của trường. Kết quả đánh giá sau mỗi năm học được sử dụng làm căn cứ để phân công nhiệm vụ trong năm học tiếp theo. Cô Nguyễn Thị Thu Anh đã xây dựng niềm tin và sự tự tôn về giá trị bản thân trong mỗi cán bộ, giáo viên, để hình thành ý thức phấn đấu, thi đua không ngừng.

Có thể thấy, những người đứng đầu đặc biệt quan trọng trong tạo dựng môi trường để đổi mới giáo dục thành công. Họ là những người truyền cảm hứng cho giáo viên và học sinh, tạo dựng một môi trường học đường chuẩn mực. Chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục, và cái tâm người đứng đầu chính là xúc tác để tạo nên chất lượng đội ngũ.

Tin cùng chuyên mục