Thanh âm phố phường

Câu hát vang lên rồi ngừng lại bất chợt, người đàn lẫn người hát và khán giả cười một trận vỡ òa, anh trai ôm guitar nói: “Rớt nhịp rồi, làm lại nha”. Giai điệu cứ cất lên theo ý thích, hòa lẫn cùng tiếng cười nói, nhộn nhịp của đường phố mà bất cứ nhịp điệu nào cũng có thể góp vào một thanh âm trong bản nhạc thị thành.

Nhịp phố ngẫu hứng

Khác với những giai điệu thính phòng cần không gian trình diễn, âm nhạc đường phố ngẫu hứng chỉ cần một không gian để vui. Trong tiếng người qua phố, xe cộ qua đường, những ca khúc quốc tế lẫn Việt Nam vang lên ở khu vực Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình) và Bưu điện Thành phố (quận 1, TPHCM). Khách qua đường muốn vội cũng phải thật chậm, không khí vui tươi níu chân người ta...

Không cần phải dân trong nghề hay có chút hiểu biết về nhạc lý, nghe qua dễ nhận ra bài hát có vài lần rớt nhịp, lúc lại nhầm lời ca. Ca sĩ và ban nhạc xử lý sự cố bằng một... nụ cười, rồi bắt đầu lại. Khán giả ngồi quanh thành vòng tròn, vỗ tay thật lớn để bài hát tiếp tục. Người đàn, người hát đa phần là dân không chuyên, gặp nhau vì yêu thích âm nhạc.

“Tụi mình ra đây chơi, hát vài câu làm quen, rồi từ từ ráp lại thành nhóm đàn hát với nhau cho vui, chứ đứa học kế toán, đứa học công nghệ thông tin, không có liên quan gì tới âm nhạc hết trơn. Hát ngẫu hứng thôi, một bài có khi rớt nhịp tới 4 lần, khán giả cũng vỗ tay động viên, còn tụi mình thì cười một trận rồi làm lại từ đầu”, Nguyễn Phan Thùy Trang (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ.

Trong những giai điệu ngẫu hứng giữa phố phường, đôi lúc bất chợt người ta lại tìm thấy mình đâu đó trong một câu hát vang lên ngẫu nhiên giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ hay tiếng hát ngân nga giữa công viên… Người đàn, người hát tự nhiên như thể trong từng nhịp thở, chẳng cần phải đợi tiếng vỗ tay hay lời tán dương.

Góc công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) trở thành sân khấu để Phạm Hoàng Thanh (20 tuổi, sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam) trình diễn những bài dân ca qua tiếng sáo. Hoàng Thanh kể: “Tôi thích sáo, nên lên mạng học cách thổi sáo qua các video hướng dẫn. Ngồi ở công viên này, cũng có nhiều nhóm bạn chơi nhạc lắm, đa phần các bạn đánh guitar rồi hát với nhau. Có bữa tôi và các bạn chơi chung vài bài, tự biểu diễn, tự nghe, khách ra vô công viên cũng hay dừng lại nghe, có người ngẫu hứng hát chung luôn”.

Nhịp đời ngẫu nhiên

Nghệ thuật đường phố không chỉ có âm nhạc, nhưng có lẽ âm nhạc dễ chạm vào những cảm xúc của người ta nhất. Câu hát vang lên có khi là của một nhóm hát gồm những người khuyết tật, lời ca cất lên đâu đó có chút man mác buồn và người nghe ủng hộ bằng cách để lại chút đỉnh ở thùng quyên góp. 

Nhóm bạn trẻ mê văn nghệ thì chỉ cần cây đàn, bất kể nơi nào cũng là sân khấu. Bởi hơn hết là không khí thân tình, không khoảng cách của không gian công cộng, tiếng hát dẫu chưa hay, tiếng đàn rớt nhịp vẫn cứ ngân nga theo những nụ cười. Hè phố, công viên, phố đi bộ… trở thành điểm hẹn của những âm thanh ngẫu hứng, nơi người ta có thể tìm cho mình một giai điệu để vui tai, một người bạn bất chợt cùng mê văn nghệ. Và đâu đó là chút chậm lại giữa nhịp đời hối hả, để lắng nghe những điều dung dị quanh mình, những niềm vui giản đơn. 

“Nhiều khi tụi bạn hẹn ra đường không phải để đi trà sữa hay cà phê, mà chỉ thích lòng vòng thành phố. Thấy góc nào có hát hò thì dừng lại nghe, hay biểu diễn hip hop cũng mê lắm, vài người bạn của tui nhảy hip hop khá đẹp, gặp nhóm nhảy là hòa mình liền”, Trần Minh Phương Thảo (24 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ.

Đâu đó trong những thanh âm của phố phường, nhịp sống thị thành đủ cung bậc để mỗi người có thể tìm thấy những góc nhỏ của riêng mình. Thanh âm của đường phố cũng chất chứa trong đó những tiếng rao lúc xa, lúc gần, lúc dày, lúc thưa. Nhịp đời ngẫu nhiên trên những gánh hàng rong mưu sinh, chiếc loa thay cho tiếng rao để giảm bớt chút nhọc nhằn cho người bán và cũng góp vào một thanh âm lao động đẹp đẽ trong bản nhạc đường phố ở thị thành.

Trong nhịp sống nơi đô thị này, vé ca nhạc hạng sang, giá tiền bạc triệu, không thiếu khách tìm đến nhưng âm nhạc hè phố cũng không ít khán giả. Dẫu sang trọng hay bình dân, mảnh đất này, đường phố này luôn có những chất riêng khiến người ta say đắm.

Không chỉ có sự ngẫu hứng, những chương trình ca nhạc được tổ chức bài bản cũng bắt đầu khẳng định bản sắc nhịp sống thành phố. Tiếng hát cất lên từ bến tàu thủy Bạch Đằng - Saigon Waterbus (đường Tôn Đức Thắng, quận 1), hay hát ở những công trình di sản ở thành phố như bảo tàng, nhà hát… được đầu tư bài bản, góp phần tạo dựng bộ nhận diện thương hiệu nghệ thuật đường phố như Thành phố tình yêu - Lively Saigon (do Sở VH-TT TPHCM thực hiện) hay Hành trình qua các di sản văn hóa (do Trung tâm VH-TT quận 6, TPHCM thực hiện)…

Tin cùng chuyên mục