Thần tốc xét nghiệm - Yếu tố then chốt

Triển khai thần tốc xét nghiệm tại các vùng có nguy cơ; thực hiện tiêm đủ vaccine mũi 1, tiến tới sớm đạt mức tiêm mũi 2 theo yêu cầu, tất cả đã góp phần mang lại hiệu quả kiểm soát dịch, giúp Hà Nội, TPHCM cùng nhiều địa phương nới lỏng dần việc giãn cách xã hội. 

Thống kê của Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), cả nước đã thực hiện hơn 17 triệu mẫu xét nghiệm cho gần 50 triệu lượt người, cao gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước đó. 

Để thực hiện được lượng xét nghiệm rất lớn như vậy đòi hỏi nhiều công sức và nguồn lực tài chính không hề nhỏ, cũng vì vậy mà những ngày qua, đã có không ít luồng ý kiến cho rằng chiến lược xét nghiệm diện rộng không còn phù hợp, gây lãng phí. 

Theo Bộ Y tế, biến thể Delta lây lan cao gấp 1.000 lần so với các biến thể trước đó, một người mắc có thể lây sang 9-10 người, chu kỳ lây nhiễm rất ngắn, chỉ sau 48 giờ nhiễm virus, lượng virus đã phát triển đủ để lây cho người khác. Hơn nữa, bệnh nhân thứ phát không có triệu chứng, nên việc xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của biến thể mới. Nhanh chóng phát hiện các ca bệnh là để kịp thời áp dụng biện pháp cách ly, điều trị cho người bệnh và để khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hạn chế phong tỏa, giãn cách kéo dài. 

Tại TPHCM - từng là điểm nóng nhất về dịch, trong 5 tháng qua, hơn 9,6 triệu kit test nhanh và hàng trăm ngàn xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình được thực hiện ở các khu vực nguy cơ cao và rất cao. Qua đó, đã nhanh chóng xác định được người mắc bệnh để điều trị kịp thời, từ đó số ca chuyển nặng giảm đáng kể, trường hợp tử vong giảm hơn 30%. Tại Hà Nội, sau thời gian thần tốc xét nghiệm cùng các chiến lược chống dịch khác, dịch đã cơ bản được kiểm soát và có thể nới lỏng phần nào giãn cách. Nhiều tỉnh thành đã mở rộng được “vùng xanh”, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại của nhân dân từng bước phục hồi là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực chống dịch của chúng ta, trong đó có vai trò quan trọng của thần tốc xét nghiệm diện rộng. 

Chiến lược xét nghiệm hiệu quả phải đi đôi với cách thức tổ chức lấy mẫu. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm các hướng dẫn lấy mẫu đúng cách, tại các điểm lấy mẫu cũng cần thực hiện hết sức nghiêm quy định 5K, đặc biệt là tăng cường hình thức giao test nhanh cho người dân tự thực hiện tại nhà. Bộ Y tế cũng cần nghiên cứu, cấp phép nhập khẩu các hình thức test nhanh khác, như test nhanh qua nước bọt, hơi thở… 

Hiện nay, giá mỗi bộ kit test nhanh từ 150.000 - 200.000 đồng, còn xét nghiệm RT-PCR khoảng 700.000 đồng/mẫu. Để giảm giá thành, tạo thuận lợi cho người dân dễ tiếp cận và chủ động sử dụng kit test nhanh, cần có thêm những cơ chế ưu đãi thúc đẩy, mở rộng hơn nữa nghiên cứu, sản xuất kit test nhanh trong nước. Thậm chí rất cần một quỹ xét nghiệm giống như Quỹ vaccine Covid-19 để huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa, giảm áp lực cho ngân sách. Đồng thời, phải có quy định chặt chẽ kiểm soát mọi hành vi lợi dụng xét nghiệm diện rộng để trục lợi. 

Ngành Y tế đang triển khai xây dựng kế hoạch và chiến lược phòng chống dịch năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, tập trung vào nâng cao năng lực đối với hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng và những vấn đề mang tính chuyên môn như: xét nghiệm, điều trị, vaccine, thuốc điều trị Covid-19. Trong công tác phòng chống dịch hiện nay, cùng với mục tiêu giảm tử vong, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân thì vaccine là căn cơ, xét nghiệm là then chốt để chúng ta có thể nhanh chóng thích ứng an toàn có kiểm soát với dịch bệnh. 

Tin cùng chuyên mục