Thân nhân người có công có được cấp thẻ BHYT?

Nhiều bạn đọc Báo SGGP đã gửi những thắc mắc về chính sách bảo hiểm cho người thân của người có công và được ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM giải đáp.
Bệnh nhân BHYT khám bệnh tại một cơ sở khám chữa bệnh. Ảnh: PHẠM THỌ
Bệnh nhân BHYT khám bệnh tại một cơ sở khám chữa bệnh. Ảnh: PHẠM THỌ
 Đang làm việc thì năm 1979 tôi đi bộ đội, chiến đấu ở Campuchia. Năm 1983, tôi chuyển ngành. 6 năm sau, tôi bị tai nạn lao động (thương tật 51%) rồi nghỉ mất sức. Tôi được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ có 80%, vẫn phải đồng chi trả 20%. Trường hợp của tôi có được hưởng BHYT 100% theo diện chính sách có công không? (KHỔNG TƯỜNG TIẾN, quận Thủ Đức, TPHCM)
Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Thông tư liên tịch số 41/2014 của liên Bộ Y tế, Tài chính, quân nhân trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975, đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định 62/2011 của Thủ tướng Chính phủ là diện được hưởng mức BHYT 100%. Thẻ BHYT được chuyển đổi sang mã quyền lợi mức 2.
Ông cần lập hồ sơ điều chỉnh quyền lợi khám chữa bệnh (phiếu giao nhận hồ sơ 402), nộp cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT (BHXH quận Thủ Đức) để điều chỉnh. Hồ sơ cần kèm theo thẻ BHYT và bản sao một trong các loại giấy tờ có liên quan như: quyết định hưởng trợ cấp theo quy định tại Quyết định 62/2011; quyết định phục viên hoặc xuất ngũ hoặc chuyển ngành; bằng khen hoặc giấy khen (ghi nhận thời gian làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia); lý lịch quân nhân, lý lịch cán bộ công chức, viên chức, phiếu quân nhân, lý lịch đảng viên, sổ BHXH (có ghi nhận thời gian làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia).
Tôi là Anh hùng Lực lượng vũ trang, vậy vợ tôi có được cấp BHYT không? Nếu được, vợ tôi cần liên hệ ở đâu, thủ tục ra sao và mức hưởng thế nào? (NGUYỄN VĂN PHÙNG, quận Bình Tân, TPHCM) 
Theo Luật BHYT và Thông tư 41/2014, thân nhân của người có công với cách mạng được cấp thẻ BHYT và cụ thể mức hưởng như sau: Được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT với thân nhân của liệt sĩ gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Được hưởng 95% gồm thân nhân (con đẻ từ trên 6 tuổi bị dị dạng, dị tật; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng) của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. 
Ông cần liên hệ Phòng LĐTB-XH quận, huyện nơi thường trú để được hướng dẫn thủ tục cấp thẻ BHYT cho vợ ông theo như quy định nêu trên.

 Tôi là con liệt sĩ, đang thờ Mẹ Việt Nam anh hùng và được cấp thẻ BHYT 95%. Tôi có được cấp thẻ BHYT 100% không? (NGUYỄN QUANG CẢNH, quận Tân Phú, TPHCM)
 Ông là con liệt sĩ thì hưởng BHYT 100%, thẻ BHYT được chuyển đổi sang mức 2. Ông cần lập hồ sơ điều chỉnh quyền lợi khám chữa bệnh (phiếu giao nhận hồ sơ 402), kèm theo thẻ BHYT và bản sao giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ nộp cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT (BHXH quận Tân Phú) để điều chỉnh.
Tôi đi bộ đội từ tháng 2-1975 đến tháng 5-1981 ở Quân khu 7. Sau đó, tôi chuyển ngành sang Bộ Giao thông Vận tải, công tác tại TPHCM và hưởng chế độ 1 lần vào năm 1997. Nay tôi không có chế độ gì. Vậy tôi có được cấp thẻ BHYT diện có công không? (PHẠM THANH DỰ, ngụ quận 8, TPHCM)
Người có công với cách mạng, cựu chiến binh được cấp thẻ BHYT, mức hưởng 100%. Cụ thể, gồm các đối tượng sau: Người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (vui lòng tham khảo câu trả lời với ông Nguyễn Văn Phùng); cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến từ ngày 30-4-1975 trở về trước; người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước theo Quyết định 290/2005 của Thủ tướng; quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 142/2008 và Quyết định 38/2010 của Thủ tướng; người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định 62/2011 của Thủ tướng. 
Ông cần liên hệ với Phòng LĐTB-XH quận, huyện nơi thường trú để được hướng dẫn thủ tục cấp thẻ BHYT.

Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, P5, Q3, TPHCM; hoặc điện thoại 091.444.6618, email: duongloan@sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục