Thắm mối duyên quê

“Cổng cưới đẹp quá” - đám bạn ồ lên xuýt xoa, rồi ai nấy tranh thủ chụp hình, bởi mấy khi mà gặp được cái cổng cưới hương đồng cỏ nội với lá dừa, hoa cau, đủng đỉnh… Mỗi đứa một quê, nhưng học tập rồi làm việc ở thành phố, nên mọi người quen dần với những tiệc cưới ở nhà hàng, mọi thứ có dịch vụ lo sẵn. 
Cổng cưới dừa nước mộc mạc nơi quê nhà
Cổng cưới dừa nước mộc mạc nơi quê nhà

Khác với cổng cưới lắp ghép nhanh theo những mô hình có sẵn, cổng cưới lá dừa nước là một kỳ công mà người lớn trong nhà dành cho sắp nhỏ trong ngày trọng đại. Các bà, các mẹ lo phần tiệc thì cánh đàn ông trong nhà làm cổng rạp, vì đâu chỉ là cái cổng để trang trí hay chụp hình cho đẹp, mà bước qua đó là đánh dấu một ngày quan trọng, hành trình hạnh phúc của hai người bắt đầu. 

Cổng cưới lắp ghép chỉ cần một loáng là xong, nhưng cổng lá dừa phải thật tỉ mỉ. Lá dừa phải lựa những lá đẹp, xếp lại theo lớp lang và tạo hình theo ý tưởng của người chủ trì, có thể xếp chéo, xếp theo đường ziczac hay vòng cung, bán nguyệt. Tạo hình chung quanh thường theo kiểu rồng phượng tương xứng, được làm chủ yếu từ cây lá, hoa trái trong vườn, đủ màu xanh xanh, đỏ đỏ… Và không thể nào thiếu hai dây đủng đỉnh, treo song song hai bên như một lời chúc tốt lành đến cô dâu chú rể.

Đủng đỉnh cũng hiền hòa như dừa, chuối… nơi quê nhà, chẳng cần chăm cũng chẳng cần trồng, đất trống thì cây cứ vươn mình “tự sinh”, rồi chờ ngày góp mặt trong những ngày vui. Cây ra hoa, đậu trái vào tầm tháng Chạp, đúng vào thời điểm dân quê thường chọn làm mùa cưới, vì thế mà đủng đỉnh như một “khách mời” không thể thiếu trong ngày trọng đại. Theo lời nhiều người lớn, cây đủng đỉnh mang ý nghĩa tốt về mặt phong thủy, còn hoa và trái kết dây như dính chặt, đủng đỉnh góp mặt trong đám cưới như một lời chúc hạnh phúc răng long đầu bạc cho cô dâu, chú rể. Gia đình khá giả, vợ chồng mới cưới ra ở riêng, người lớn trong nhà cũng chọn cây đủng đỉnh làm cột, vì thân cây thẳng, xanh tươi, làm cột làm kèo chắc chắn. Chiếc cổng cưới quê nhà dẫu mộc mạc, nhưng góp mặt trong đó bao nhiêu là cây trái trong vườn, hơn hết là sự chắt chiu tình cảm, lời chúc phúc trăm năm của người lớn dành cho con trẻ. 

Nhiều năm trôi qua, tốc độ đô thị hóa cũng dần chạm đến những miền quê, những rặng dừa nước cứ thưa dần, có nơi người ta đốn bỏ đủng đỉnh để dành chỗ cho cây trái có nguồn lợi kinh tế cao hơn. Cổng cưới lá dừa, dây đủng đỉnh xếp dần vào hoài niệm, khi xu thế đương thời người ta thường chọn nhanh gọn, đâu còn ai tỉ mẩn xếp từng lá dừa nước, treo từng dây đủng đỉnh.

Nhưng rồi những giá trị mộc mạc, quê nhà cũng có một vị trí, một sức sống riêng, bởi có lẽ những gì giản dị từ đáy lòng lại dễ chạm vào cảm xúc người ta nhiều hơn. Vài năm trở lại đây, cổng cưới lá dừa nước bắt đầu lên phố, di chuyển đường xa, giá đắt hơn nhiều so với cổng cưới lắp ráp sẵn… nhưng nhiều gia đình vẫn sẵn sàng chi, để ngày trọng đại của sắp nhỏ trong nhà được trọn vẹn nhất. Dây đủng đỉnh buông hai bên cổng cưới, một lời nguyện ước bền chặt trăm năm lại được nhiều người xuýt xoa nơi phố thị: “cổng cưới như vầy vừa đẹp lại vừa hay”.

Theo nhịp phát triển của đời sống, cái mới sẽ thay thế cái cũ nhưng có những giá trị vẫn không thay đổi theo thời gian. Đâu đó nơi phố thị nhiều thứ xa hoa, chợt bắt gặp một cổng cưới rợp lá dừa nước, dây đủng đỉnh xúng xính… người ta thấy lòng mình như dịu lại, man mác như cơn gió thổi từ triền sông, như một lời chúc hạnh phúc chân chất miệt vườn, đằm thắm một mối duyên quê.

Tin cùng chuyên mục