Thầm lặng nghề “làm dâu trăm họ“

Ngày 15-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg, lấy ngày 25-3 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”, nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. 

Ngày 25-3, Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM phối hợp cùng Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM (HCE), tổ chức kỷ niệm “Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25-3” năm 2021.

Theo thống kê của Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ LĐ-TBXH, tính hết năm 2020, nước ta có hơn 11,7 triệu người cao tuổi, trên 9 triệu người có công và thân nhân người có công với cách mạng, 6,4 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, hàng triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm.

Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố. Công tác xã hội (CTXH) đóng vai trò quan trọng đối với các đối tượng này nên đòi hỏi cần phải có một đội ngũ cán bộ làm CTXH chuyên nghiệp.

Chính vì vậy, ngày 15-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg, lấy ngày 25-3 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”, nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề CTXH; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm CTXH trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Thầm lặng nghề “làm dâu trăm họ“ ảnh 1 Lãnh đạo Hội GDNN TPHCM và Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM chụp hình kỷ niệm với sinh viên ngành CTXH của trường

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Khê Văn Mạnh, Phó Hiệu trưởng HCE nhấn mạnh, bên cạnh việc tôn vinh, ghi nhận đóng góp của người làm CTXH, đây còn là cơ hội để Khoa CTXH của HCE tạo sự kết nối với các phòng chức năng của Sở LĐ-TBXH, Sở GD-ĐT, các tổ chức phi chính phủ, chuyên gia, các trung tâm bảo trợ xã hội…

Qua đó đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghề CTXH cho TP giai đoạn 2021-2030 gắn với Quyết định 112 của Chính phủ ngày 22-1-2021 về ban hành Chương trình Phát triển CTXH giai đoạn 2021 – 2030.

Để đào tạo cử nhân trình độ cao đẳng ngành CTXH theo Đề án 32 – Phát triển CTXH giai đoạn 2010-2020, HCE bắt đầu tuyển sinh ngành CTXH từ năm 2014.

Chương trình đào tạo CTXH của HCE có thời lượng thực hành kỹ năng nghề nghiệp hơn 50%, gắn với bệnh viện, trường học, trung tâm bảo trợ xã hội, các dự án phát triển cộng đồng. Năm 2021, HCE dự kiến xét tuyển 140 chỉ tiêu ngành CTXH, trong đó bậc cao đẳng là 100 chỉ tiêu và trung cấp là 40 chỉ tiêu.

“Qua 4 khóa đã tốt nghiệp, có hơn 90% sinh viên ra trường có việc làm, là chuyên viên, nhân viên CTXH tại bệnh viện, trường học, trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH, các chương trình dự án phát triển cộng đồng...”, ông Mạnh chia sẻ thêm.

“Hiện cả nước có gần 60 trường đại học, cao đẳng, cơ sở GDNN tham gia đào tạo chuyên ngành CTXH; Bộ LĐ-TBXH phối hợp với các trường đại học tổ chức và đào tạo cho gần 500 giảng viên dạy nghề CTXH cho các trường cao đẳng, trung cấp. Cả nước xây dựng được trên 425 cơ sở cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc xã hội, gần 100 cơ sở cung cấp dịch vụ trong bệnh viện. Nhu cầu về đội ngũ cán bộ CTXH rất lớn”, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho biết.

Theo ông Trần Anh Tuấn: "Tuy vậy, sự phát triển nghề CTXH vẫn còn tồn tại một số khó khăn, như khuôn khổ pháp lý phát triển CTXH chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, vai trò, nhiệm vụ của người làm CTXH chưa được xác định cụ thể trong luật. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng và đảm bảo về chất lượng; đội ngũ làm CTXH còn mỏng và chưa chuyên nghiệp (cả nước có trên 30.000 người, khoảng 40% làm bán chuyên nghiệp). Ngoài ra, công tác đào tạo sinh viên ngành CTXH trong các trường đại học, cao đẳng còn thiếu, chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành thực tế; nhận thức về vai trò và vị trí của nghề CTXH còn những hạn chế nhất định".

Cũng theo ông Tuấn, rất dễ nhận thấy, hàng ngàn sinh viên của một số trường đại học, cao đẳng trong cả nước tốt nghiệp ngành CTXH phải loay hoay tìm việc, làm không đúng chuyên ngành đã đào tạo. Một số rất ít được tuyển dụng vào các vị trí trong ngành, thu nhập thấp, công việc quá vất vả nhưng chưa phát huy hết chuyên môn.

Mặt khác, dù được đào tạo cử nhân ngành CTXH nhưng có không ít người thiếu kỹ năng mềm như Luật Trẻ em, tâm lý trẻ em... Do đó, sau một thời gian làm việc, nhiều người không chịu được sức ép công việc và bỏ nghề….

Từ thực tế trên, ông Tuấn kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ nâng cao hiệu quả tuyển sinh ngành CTXH của các trường trong hệ thống GDNN; Cần đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho nhân viên làm CTXH tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, bệnh viện, đồng thời tăng cường kiểm định chất lượng đào tạo CTXH theo chuẩn nghề nghiệp, sát hạch chuyên môn và cấp giấy phép hành nghề trong một số lĩnh vực chuyên biệt...

Thầm lặng nghề “làm dâu trăm họ“ ảnh 2 Ra mắt Ban tư vấn phát triển CTXH trực thuộc Hội GDNN TPHCM

Dịp này, Hội GDNN TPHCM cũng đã thành lập và ra mắt Ban tư vấn Phát triển CTXH do bà Lê Thị Mỹ Hiền làm trưởng ban; bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, làm phó ban.

Tin cùng chuyên mục