Thảm họa tiềm tàng

Trong một năm qua, bên cạnh những tác động thảm khốc diễn ra với tốc độ đáng sợ của biến đổi khí hậu như hạn hán, nạn đói, hiện tượng vòm nhiệt, cháy rừng, lũ quét chết người…, một thảm họa tiềm tàng khác đã xuất hiện, đe dọa đời sống biển: Mức oxy cạn kiệt trong các đại dương và hồ trên thế giới.

Tác nhân lớn

Trong một bài viết trên Tạp chí Scientific American số ra mới đây, 2 nhà nghiên cứu và là đồng tác giả Julie Pullen và Nathalie Goodkin đã viết rằng: “Khi các nhà khoa học đại dương và khí quyển tập trung vào khí hậu, thì chúng tôi tin rằng nồng độ oxy trong đại dương là tác nhân lớn tiếp theo của sự nóng lên toàn cầu”. 

Cá chết hàng loạt ở vịnh Boca Ciega, Florida (Mỹ) vào tháng 7-2021 khi nhiệt độ tăng cao
Do ảnh hưởng của nhiệt độ toàn cầu tăng cao, các đại dương đã mất 10%-40% lượng oxy, và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ nước tăng và lượng oxy cạn kiệt, sự ô nhiễm và chất dinh dưỡng bị rút dần... là những nguyên nhân khiến cá bị chết hàng loạt trong năm nay ở các bang nước Mỹ như Florida, California, Oregon, Montana, Louisiana, Virginia, Pennsylvania, Missouri, Washington, Idaho, Delaware và Minnesota. 

Khi một vòm nhiệt bao phủ phần lớn Tây Bắc Thái Bình Dương vào mùa hè vừa qua, nhiệt độ gia tăng ở các dòng sông và suối dẫn đến cá hồi chết hàng loạt. Ước tính có khoảng 1 tỷ động vật biển dọc theo bờ biển Canada cũng bị chết do đợt nắng nóng đó. Biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân chính duy nhất khiến cá chết, nhưng nó là một yếu tố góp phần. Các nhà nghiên cứu cho biết, khi lượng CO2 tăng lên trong khí quyển, nó không chỉ làm ấm không khí bằng các bẫy bức xạ mà còn làm ấm nước. Tác động qua lại giữa các đại dương với bầu khí quyển rất phức tạp và đan xen, các đại dương đã hút khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa do biến đổi khí hậu tạo ra.

Theo 2 nhà nghiên cứu Pullen và Goodkin, biến đổi khí hậu đang làm đảo lộn sự cân bằng mong manh giúp cung cấp nguồn sinh vật biển dồi dào. Các cá thể nước có thể hấp thụ CO2 và O2, nhưng chỉ ở một giới hạn phụ thuộc vào nhiệt độ. Tính hòa tan của khí giảm khi nhiệt độ ấm lên, nghĩa là nước ấm hơn sẽ giữ ít oxy hơn. Sự giảm hàm lượng oxy này, cùng với sự chết đi với quy mô lớn của thực vật phù du tạo ra oxy, không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do ô nhiễm nhựa và hoạt động công nghiệp, làm tổn hại đến hệ sinh thái, làm ngạt thở các sinh vật biển và dẫn đến tình trạng phá hủy hàng loạt các hệ sinh thái này.

Thách thức kép 

Hải sản là mặt hàng thực phẩm giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, trong đó đánh bắt cá biển nhiệt đới chiếm hơn 50% sản lượng đánh bắt toàn cầu, trung bình hàng năm 96 tỷ USD. Các bằng chứng khoa học hiện có đều cho thấy sinh vật biển, nguồn cá và nghề cá ở vùng nhiệt đới dễ tổn thương nhất vì những thay đổi của đại dương liên quan đến biến đổi khí hậu.

Cụ thể là các nước ở Đông Nam Á, Ấn Độ - Thái Bình Dương và châu Phi, vốn chủ yếu dựa vào ngành thủy sản để duy trì sinh kế và phát triển kinh tế, đang đối mặt với “nguy cơ kép” do biến đổi khí hậu tác động tiêu cực lên một ngành kinh tế quan trọng của họ. Hàng triệu người ở các nước đang phát triển có thể phải đối mặt với sự bất ổn gia tăng về lương thực và kinh tế do sự đe dọa của biến đổi khí hậu đối với các hệ thống thực phẩm thủy sản, biến đổi khí hậu đối với các nước dựa vào nghề cá. 

Trước đó, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Food đã cảnh báo, nếu không hạn chế tác động của biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính, các quốc gia dựa vào ngành thủy sản sẽ có nguy cơ mất đi nhiều nguồn lợi chính làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nền kinh tế, văn hóa, sức khỏe và dinh dưỡng cho con người. Nghiên cứu mang tên “Những rủi ro kép về khí hậu đe dọa các lợi ích hệ thống thực phẩm thủy sản” được xem là nghiên cứu đầu tiên tiết lộ nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra đối với lợi ích mà thực phẩm thủy sản mang lại cho cuộc sống và sự phát triển của con người trên thế giới. Theo đó, ở một số lãnh thổ và quốc đảo nhỏ tại Thái Bình Dương như Palau và quần đảo Solomon, sản lượng khai thác loài cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng có thể giảm từ 10%-40% vào năm 2050, trong khi đó ở Kiribati và quần đảo Cook lại tăng từ 15%-20%. Tương tự, có dự báo cho rằng thay đổi liên quan đến khí hậu dự kiến sẽ làm giảm khoảng 20% giá trị sản lượng đánh bắt cá ở châu Phi vào năm 2050, cũng như giảm 50% việc làm liên quan.

Do mối liên hệ chặt chẽ giữa các vùng nhiệt đới và các quốc gia ngoài nhiệt đới thông qua thương mại và đánh bắt xa bờ, việc giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu ở vùng nhiệt đới sẽ mang lại lợi ích cho toàn thế giới. Đây cũng là một lý do để các nước cần hỗ trợ nỗ lực giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước nhiệt đới. Nếu không tiến hành những hành động khẩn cấp, ngành khai thác thủy sản - nhất là ở những khu vực như vùng nhiệt đới châu Phi, Nam Mỹ và Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ đối diện với những thảm họa tồi tệ nhất. 

Không những thế, tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành đánh bắt cá nhiệt đới có ảnh hưởng toàn cầu, lan truyền từ vùng nhiệt đới sang các vùng ngoài nhiệt đới khác theo nhiều tầng lớp. Với khoảng 40% thế giới phụ thuộc vào đại dương, khoảng 3 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào đánh bắt cá để kiếm sống, việc duy trì nồng độ oxy trong các đại dương và hồ trên thế giới chắc chắn sẽ là một thách thức trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục