Thảm họa đối với giáo dục

Đại dịch Covid-19 đang gây ra hậu quả trực tiếp đến hoạt động giáo dục trên toàn cầu. Theo Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres, thế giới phải đối mặt với “thảm họa thế hệ” do các trường học phải đóng cửa trong đại dịch Covid-19, đồng thời nhấn mạnh việc học sinh được trở lại trường học an toàn phải là ưu tiên hàng đầu. 
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thư ký Guterres cho biết, tính đến giữa tháng 7 vừa qua, khoảng 160 quốc gia đã phải đóng cửa trường học, ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ học sinh, sinh viên trong khi ít nhất 40 triệu trẻ em bị nhỡ khóa học mầm non. Ông Guterres nhấn mạnh, thế giới đang phải đối mặt với một thảm họa thế hệ có thể lãng phí tiềm năng con người, hủy hoại hàng thập niên phát triển và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng cố hữu. Một khi các nước kiểm soát được đại dịch Covid-19, việc đưa học sinh quay trở lại trường học cũng như các cơ sở học tập một cách an toàn nhất sẽ phải là ưu tiên hàng đầu. Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh diễn biến đại dịch Covid-19 đang trở nên phức tạp và khó lường.

Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) cho biết, trước khi đại dịch bùng phát, trên thế giới đã có hơn 250 triệu trẻ em không được đến trường và chỉ 25% số học sinh trung học ở các nước đang phát triển hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản. Theo dự báo của Save the Children, Covid-19 có thể làm giảm tổng cộng 77 tỷ USD đầu tư vào giáo dục ở các nước có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021.

Những con số thống kê trên cho thấy, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng giáo dục chưa từng có trên toàn thế giới, nhất là ở các quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, giới chuyên gia cảnh báo khoảng cách bất bình đẳng giữa học sinh có điều kiện và học sinh nghèo sẽ ngày càng lớn. Chỉ riêng ở Ấn Độ, có ít nhất 30 triệu học sinh bị ảnh hưởng xấu. Sự gián đoạn giáo dục từ đại dịch chưa thể kết thúc sớm khi có tới hơn 100 quốc gia chưa công bố ngày mở lại trường học.
Giáo dục trực tuyến phần nào giúp học sinh tiếp thu được lượng kiến thức khi không thể đến trường trong mùa dịch.

Tuy nhiên, hình thức dạy học trực tuyến không thể thay thế lớp học truyền thống hoàn toàn, bởi vì giao tiếp qua mạng có nhiều hạn chế. Ngoài ra, các quốc gia nghèo không thể áp dụng rộng rãi hình thức học qua mạng. Khoảng 50% số học sinh và sinh viên trên thế giới lại thiếu máy tính để học tại nhà. Ở các nước nghèo, trường học không chỉ cung cấp giáo dục mà còn cung cấp chất dinh dưỡng, thực phẩm và kỹ năng sống. Việc trẻ em không được đến trường cũng khiến các em có nguy cơ cao bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng, thường nhiều khả năng không bao giờ được quay lại trường. Khi áp lực đè nặng lên các gia đình có thu nhập thấp, trẻ em có thể buộc phải làm việc để tăng thu nhập gia đình hoặc là nạn nhân của tình trạng tảo hôn. Bên cạnh đó, việc trường học đóng cửa kéo dài cũng phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của học sinh. Giới chuyên gia giáo dục nhận định, nếu không tìm cách giải quyết khủng hoảng giáo dục mà đại dịch gây ra, ảnh hưởng của nó với tương lai của trẻ em sẽ kéo dài. Theo đó, mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận với giáo dục có chất lượng vào năm 2030 sẽ bị đẩy lùi thêm nhiều năm nữa.

Tin cùng chuyên mục