Thăm dò, khai thác dầu khí phải đảm bảo quốc phòng, an ninh

ĐBQH đề nghị lưu ý cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi điều tra cơ bản về dầu khí ở những vùng địa chính trị quan trọng thì cần phải có điều kiện cụ thể hơn, đồng thời phải có quyền và nghĩa vụ, đặc biệt là quyền của người nước ngoài để đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Quốc hội họp chiều 25-10. Ảnh: QUANG PHÚC
Quốc hội họp chiều 25-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 25-10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cho biết, về hợp đồng dầu khí, một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí), ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí, kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành.

Góp ý vào dự thảo luật này, ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) quan tâm đến quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân của Việt Nam và nước ngoài để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Tuy nhiên, ĐB cho rằng, dự thảo đã đặt ra quyền và nghĩa vụ cho tổ chức tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí, nhưng không có điều luật nào về quyền và nghĩa vụ của cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi tham gia vào điều tra cơ bản về dầu khí.

ĐB Nguyễn Minh Đức đề nghị lưu ý cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi điều tra cơ bản về dầu khí ở những vùng địa chính trị quan trọng thì cần phải có điều kiện cụ thể hơn, đồng thời phải có quyền và nghĩa vụ, đặc biệt là quyền của người nước ngoài để đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Thăm dò, khai thác dầu khí phải đảm bảo quốc phòng, an ninh ảnh 1 ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Về nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường trong khai thác dầu khí, ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng đây là nội dung được cử tri, các nhà nghiên cứu rất quan tâm, tuy nhiên dự thảo luật chưa dành cho nội dung này dung lượng xứng đáng. ĐB đề nghị có 1 chương riêng hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về việc bảo vệ môi trường trong thăm dò, khai thác dầu khí, gắn trách nhiệm cho các đơn vị, cơ quan gây ra sự cố về môi trường. 

Về tiêu chí, phương pháp đánh giá, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ĐB Nguyễn Đại Thắng đề nghị bổ sung tiêu chí lựa chọn nhà thầu bao gồm năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của nhà thầu trong hoạt động dầu khí.

ĐB Tạ Đình Thi (Hà Nội) đề nghị cần quy định chặt chẽ nội dung về điều tra cơ bản để đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật. Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung vào nội dung chính sách của Nhà nước về dầu khí một khoản quy định chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về dầu khí nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới, có công nghệ nguồn hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Về quy định điều tra cơ bản dầu khí, ĐB Tạ Đình Thi chỉ ra rằng, dự thảo quy định kinh phí thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước, kinh phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kinh phí của tổ chức, cá nhân. Như vậy công tác này chủ yếu thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước, vì vậy cần giao Chính phủ quy định rõ một số nội dung về điều tra cơ bản để đảm bảo công tác tìm kiếm, thăm dò…
Thăm dò, khai thác dầu khí phải đảm bảo quốc phòng, an ninh ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: QUANG PHÚC

Giải trình lại ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, về vấn đề điều tra cơ bản dầu khí, theo quy định của pháp luật hiện hành không cho phép lập quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí, do đó việc lập quỹ điều tra cơ bản dầu khí từ nguồn lực nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước và các nguồn vốn của tổ chức cá nhân khác là cần thiết và đồng bộ với các quy định của pháp luật về khoáng sản. Bên cạnh đó việc điều tra cơ bản được thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ trên cơ sở đề án được Chính phủ phê duyệt. 

Về lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, tiếp thu ý kiến góp ý của các ĐB, dự thảo luật đã thiết kế một chương để phù hợp với việc quy định ký kết hợp đồng dầu khí và phù hợp với thông lệ về công nghiệp dầu khí.

Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, dự thảo luật đã cơ bản thể hiện được những chủ trương của Đảng, Nhà nước, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với pháp luật hiện hành, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tin cùng chuyên mục