Thai phụ cần tiêm vaccine Covid-19 để giảm nguy cơ tử vong

Phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng nguy cơ cao với Covid-19, thế nhưng nhiều thai phụ vẫn từ chối tiêm vaccine bởi lo ngại ảnh hưởng lên thai nhi mà quên mất những nguy hiểm cận kề nếu không may nhiễm bệnh. 

Các chuyên gia một lần nữa khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần tiếp cận vaccine phòng Covid-19 sớm nhất trong điều kiện có thể để bảo vệ cả mẹ lẫn con. 

Suýt mất song thai 

Mới đây, Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận một trường hợp thai phụ mang song thai mắc Covid-19 nguy kịch. Đó là trường hợp của chị N.T.L. (sinh năm 1994, ngụ quận 12, TPHCM). Chị L. mang thai nhưng không tiêm vaccine phòng Covid-19 vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Ngày 1-11, khi đang mang thai ở tuần thứ 31, thai phụ được xác định dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển đến điều trị tại một cơ sở thu dung Covid-19 trên địa bàn. 7 ngày sau, sức khỏe của chị L. chuyển biến xấu, sốt, ho, khó thở và được chuyển đến Bệnh viện Hùng Vương. 

Bác sĩ Hồ Viết Thắng, Trưởng Khu K1 (Khu điều trị Covid-19), Bệnh viện Hùng Vương thăm khám cho sản phụ
Bác sĩ Hồ Viết Thắng, Trưởng Khu K1 (Khu điều trị Covid-19), cho biết, thời điểm nhập viện, sức khỏe của thai phụ yếu, 2 bào thai 32 tuần tuổi cũng yếu dần. Tại đây, bệnh nhân được cho thở oxy qua chụp mũi, dùng thuốc kháng đông, kháng virus. Tuy nhiên, tình trạng thai phụ vẫn nguy kịch, buộc phải chuyển sang thở máy. Các bác sĩ phải hội chẩn khẩn cấp và quyết định mổ lấy thai, nếu không cả mẹ lẫn con đều nguy kịch.


Sau ca mổ, hai bé trai cân nặng 1,6kg mỗi bé chào đời an toàn và được chuyển đến Khoa Nhi chăm sóc đặc biệt. Rất may mắn, cả 2 bé đều âm tính với SARS-CoV-2. Trong khi đó, chị L. vẫn được tiếp tục thở máy trong 5 ngày và cải thiện dần. Cả mẹ lẫn con đều thoát chết trong gang tấc. “Đây không phải là trường hợp duy nhất thai phụ mắc Covid-19 nguy kịch do không tiêm vaccine phòng Covid-19 mà đơn vị tiếp nhận trong thời gian qua. Hậu quả đau lòng là đôi khi các bác sĩ chỉ cứu được mẹ, thậm chí không thể cứu được cả mẹ lẫn con”, bác sĩ Hồ Viết Thắng nói.

Tiêm vaccine để bảo vệ mẹ và con 

Mang thai ở tháng thứ 7, nhưng chị N.T.Y.N. (ngụ quận 4, TPHCM) vẫn ngần ngại trong việc tiêm vaccine phòng Covid-19. Theo chị N., việc chưa đủ các dữ liệu nghiên cứu về tác động của vaccine lên thai nhi là lý do chị trì hoãn tiêm vaccine. Chị N. chia sẻ: “Tôi rất lo vaccine có thể có những tác động lâu dài lên thai nhi, nên tôi dự kiến sau khi sinh xong mới tiêm vaccine để phòng bệnh. Từ nay đến ngày sinh cũng chỉ 2 tháng nữa nên tôi cố gắng chờ và trong thời gian này chủ yếu ở trong nhà, không đi ra ngoài, tránh tiếp xúc với người khác để hạn chế nguy cơ mắc bệnh”.

Về vấn đề này, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, thông tin, vaccine phòng Covid-19 là vaccine mới phát triển trong vòng một, hai năm nay nên những nghiên cứu trên thế giới về tác dụng lâu dài của vaccine trong mười hay hai mươi năm sau đều không có. Tuy nhiên, những nghiên cứu ngắn hạn cho thấy tỷ lệ sinh non, sẩy thai, tỷ lệ thai bất thường, thai dị tật ở nhóm thai phụ có tiêm vaccine với nhóm không tiêm tương đồng nhau, không có sự khác biệt. Rất nhiều nước trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu và cấp phép tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai. Các tổ chức hiệp hội sản phụ khoa lớn trên thế giới cũng đã đưa vào hướng dẫn tiêm ngừa vaccine cho thai phụ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêm ngừa vaccine mang lại nhiều lợi ích cho thai phụ hơn là không tiêm. Đơn cử, tiêm ngừa vaccine giúp thai phụ giảm nguy cơ mắc Covid-19, và nếu chẳng may nhiễm bệnh thì sẽ nhẹ đi, giảm tử vong cho mẹ và con. Bên cạnh đó, khi thai phụ tiêm vaccine, trong quá trình mang thai, khi sinh con và cho con bú, kháng thể từ mẹ được truyền qua thai nhi sẽ giúp bảo vệ em bé trong những giờ đầu sau sinh.

Cũng theo bác sĩ Diễm Tuyết, thực tế tại TPHCM cho thấy, kể từ ngày 12-8, khi Bộ Y tế cho phép phụ nữ mang thai được tiêm vaccine phòng Covid-19, số ca nhiễm của thai phụ giảm rõ rệt so với đỉnh dịch, số ca nặng cũng theo đó giảm nhiều. Song, vẫn còn nhiều trường hợp thai phụ chưa tiêm vaccine, khi họ bị mắc Covid-19 thì trở nặng rất nhanh, đe dọa tính mạng của cả bà mẹ lẫn em bé nếu không được điều trị kịp thời. “Trong đại dịch này, đứng trên bàn cân giữa lợi ích và nguy cơ thì rõ ràng thai phụ cần được tiêm ngừa sớm, tiếp cận vaccine sớm để giúp chính bản thân vượt qua đại dịch và bảo vệ đứa con trong bụng của mình”, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết khuyến cáo. 

Bác sĩ Hồ Viết Thắng, người chứng kiến nhiều trường hợp thai phụ vật vã vì Covid-19, cũng cảnh báo: Thai phụ khi mắc Covid-19 thường diễn tiến rất nặng và rất nhanh. Chỉ cần chậm xử trí là cả mẹ lẫn con đều có thể đối diện với khả năng xấu nhất. Để tránh chuyện đáng tiếc xảy ra, chúng tôi khuyến cáo các thai phụ nên sớm tiêm ngừa. Với trường hợp phát hiện nhiễm SARS-CoV-2, thai phụ nên đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa sản để được khám kỹ cả mẹ lẫn thai nhi. 

Theo thống kê tại Bệnh viện Hùng Vương, những ngày gần đây, số lượng thai phụ mắc Covid-19 nhập viện điều trị tại bệnh viện này có xu hướng tăng lên. Cụ thể, thời điểm 1-10, đơn vị này điều trị cho khoảng từ 30-40 thai phụ mắc Covid-19; đến giữa tháng 11, số ca mắc đã tăng lên từ 40-50 trường hợp. Đặc biệt, các ca nặng phải nhập viện điều trị đa số không tiêm vaccine phòng Covid-19. Trung bình mỗi ngày, nếu tiếp nhận 4-5 ca nặng thì có 2-3 trường hợp chưa tiêm ngừa, tiêm ngừa chưa đầy đủ hoặc tiêm đủ mũi nhưng chưa đủ thời gian tạo miễn dịch. 

Tin cùng chuyên mục