Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Sức nặng của những lá phiếu sớm

Mặc dù còn khoảng 1 tuần nữa mới tới ngày tổng tuyển cử 3-11, song cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 hiện đang ghi nhận mức tăng nhảy vọt về số lượng phiếu bầu sớm với ít nhất 66 triệu cử tri Mỹ đã thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình, tương đương với một nửa tổng số phiếu bầu được kiểm trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Các lá phiếu bầu cử qua thư ở Mỹ đang chờ được phân loại và chuyển đi. Ảnh: AP
Các lá phiếu bầu cử qua thư ở Mỹ đang chờ được phân loại và chuyển đi. Ảnh: AP

Ẩn số “mức độ nhiệt tình”

Con số phiếu bầu sớm cao kỷ lục trong lịch sử trên, bao gồm cả số phiếu bầu trực tiếp và gửi qua bưu điện, trở thành một yếu tố khiến việc dự đoán kết quả cuộc bầu cử, đặc biệt là tại các bang “chiến địa”, có tính quyết định ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, càng trở nên khó khăn. Với xu hướng bỏ phiếu sớm ngày càng gia tăng như hiện nay, cuộc bầu cử năm nay có thể sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử chính trị nước Mỹ, đa số phiếu bầu sẽ được bỏ trước ngày bầu cử chính thức. Đây cũng là năm được dự đoán chứng kiến số lượng cử tri đi bỏ phiếu lớn nhất kể từ năm 1908. 

Giáo sư W Joseph Campbell của Đại học Mỹ - tác giả nhiều cuốn sách, đề tài nghiên cứu về trưng cầu ý dân và xu hướng bỏ phiếu của cử tri trong bầu cử Tổng thống Mỹ - nhận định, trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, cử tri thực sự mong muốn sẽ bầu được vị tổng thống có khả năng giải quyết vấn đề kinh tế, đồng thời cũng quyết đoán trong việc đẩy lùi đại dịch Covid-19. Cử tri hiện nay đều cân nhắc rất nhiều vấn đề trước khi quyết định dành lá phiếu của họ ủng hộ cho ứng cử viên nào.

Ngoài ra, vấn đề cử tri là người ủng hộ cho đảng Dân chủ hay Cộng hòa cũng là một yếu tố then chốt góp phần định đoạt vị trí chủ nhân Nhà Trắng sắp tới. Đây có thể được gọi là yếu tố “mức độ nhiệt tình” của cử tri đối với ứng cử viên tranh cử, và nếu ứng cử viên đảng nào có cử tri ủng hộ đi bỏ phiếu nhiều hơn thì cơ hội trúng cử sẽ cao hơn. 

Gay cấn ở những bang chiến địa

 Theo Giáo sư W Joseph Campbell, có khoảng 10-15 bang trong tổng số 50 bang của nước Mỹ đóng vai trò quyết định ai sẽ là người thắng cuộc và bước chân vào Nhà Trắng. Những bang chiến địa của cả hai đảng năm nay vẫn là những nơi từng là bang chiến địa cách đây 4 năm, bao gồm Wisconsin, Michigan, Pennsylvania. Đây đều là những bang đã từng giúp ông Donald Trump giành chiến thắng bất ngờ bởi khi đó, nếu nhìn vào kết quả thăm dò dư luận sát ngày bầu cử, ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ luôn là người dẫn trước với tỷ lệ ủng hộ áp đảo ở những bang này. Tuy nhiên, cuối cùng bà Hillary Clinton lại không giành được phiếu đại cử tri cũng ở chính những bang này và thất cử dù giành được nhiều phiếu phổ thông hơn so với ông Donald Trump.

Một số bang chiến địa lớn khác cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định ứng cử viên nào sẽ thắng cử, đặc biệt là Florida. Trên thực tế, các kết quả thăm dò dư luận đôi khi không thực sự chính xác và phản ánh đúng tình hình. Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận về tỷ lệ ủng hộ hiện tại đang nghiêng về ứng cử viên Joe Biden, song mọi sự đảo chiều vẫn có thể xảy ra.

Nhiều nhà dự đoán độc lập cho rằng, đảng Dân chủ có thể sẽ tiếp tục giành thế đa số tại Hạ viện, tuy nhiên cuộc đua vào Thượng viện trong năm nay sẽ gay cấn hơn rất nhiều với sự cạnh tranh gay gắt giữa hai đảng. Theo đó, cuộc chiến giành Thượng viện rất có thể được quyết định ở các bang như Colorado, Arizona, Maine, Bắc Carolina và Iowa. Tuy nhiên, cũng có thể có một số bất ngờ tác động tới kết quả cuối cùng.

Đảng Dân chủ hiện có 47 ghế tại Thượng viện và theo dự đoán có thể bị mất một ghế ở bang Alabama mà họ có được năm 2017. Điều này có nghĩa đảng Dân chủ sẽ cần phải có thêm 5 ghế nữa để giành thế đa số tại cơ quan lập pháp này hoặc 4 ghế để đảm bảo quyền kiểm soát nếu như ứng cử viên Joe Biden trở thành Tổng thống.

Hiện có khoảng 10 ghế mà đảng Cộng hòa đang nắm giữ nhưng được coi là những vị trí tiềm năng mà đảng Dân chủ có thể giành lại. Nhiều nhận định cho rằng, các cuộc đua ở bang Colorado, Arizona, Maine, Bắc Carolina và Iowa có khả năng quyết định đảng nào sẽ nắm quyền lực tại Thượng viện.

Theo kết quả cuộc “Thăm dò Cử tri châu Á 2020” do AAPI Data thực hiện dựa vào những cuộc phỏng vấn qua điện thoại đối với 1.569 cử tri đã đăng ký tự nhận là người Mỹ gốc Á, bao gồm gốc Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, 56% người Mỹ gốc Hoa chọn ông Joe Biden, 20% chọn đương kim Tổng thống Donald Trump, 23% chọn “Không biết” và 1% chọn “một ứng cử viên khác”. Đa số người gốc Ấn (65%), Philippines (52%), Nhật Bản (61%), Triều Tiên (57%) và những người Mỹ gốc châu Á khác (54%) chọn ông Joe Biden. Ngoại lệ là người Mỹ gốc Việt khi chỉ có 36% ủng hộ ông Joe Biden và có tới 48% chọn ông Donald Trump, 16% trả lời “Không biết”.

Tin cùng chuyên mục