Sổ tay

Thái độ lao động

Năng suất lao động của công nhân Việt Nam được đánh giá là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Phải thừa nhận nền kinh tế hoặc một doanh nghiệp không thể có năng suất cao nếu chất lượng lao động thấp. 
Trong đó, chất lượng lao động thể hiện dưới 2 hình thái: trình độ lao động và thái độ làm việc. Thế nhưng, thời gian qua thị trường lao động và đào tạo lao động chỉ chú trọng công tác đào tạo lao động có trình độ. Đó là đào tạo đội ngũ quản lý có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật mà quên yếu tố thái độ làm việc.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nhiều doanh nghiệp phàn nàn về những kỹ năng công nhân được đào tạo tại trường không phù hợp với kỹ năng doanh nghiệp cần. Cụ thể, gần 65% chủ doanh nghiệp FDI và 35% doanh nghiệp trong nước cho rằng, những kỹ năng trường dạy nghề và trung học chuyên nghiệp đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Từ đó cho thấy, để nâng cao năng suất lao động cần phải giảm sự khác biệt giữa kỹ năng được đào tạo và kỹ năng doanh nghiệp cần. Đòi hỏi cơ chế kết nối doanh nghiệp với chủ cơ sở đào tạo, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo.

Bên cạnh trình độ lao động, yếu tố thái độ làm việc cũng rất quan trọng. Chỉ có thái độ làm việc tích cực mới phát huy hết khả năng lao động, đem lại hiệu quả tổng thể về mặt kinh tế và xã hội. Trong công tác đào tạo trình độ cần phải đưa cả bộ môn thái độ làm việc vào trong nhà trường. Làm sao để công nhân, người lao động hiểu thái độ làm việc mới là phẩm chất tạo được sự tin tưởng của người sử dụng lao động. Thực tế cho thấy, những người có thái độ làm việc tốt thường phát triển và được đề bạt lên nhiệm vụ quản lý hơn là những người làm mà trông chờ hết giờ! Do vậy, để tăng năng suất, hiệu suất lao động thì việc giáo dục về thái độ làm việc là rất cần thiết, không được bỏ qua…

Tin cùng chuyên mục