Thách thức tự cung lương thực

Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực đặt ra nhiều thách thức với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Singapore. Trong đại dịch Covid-19, hình ảnh người dân khắp nơi trên thế giới tranh nhau mua thực phẩm trong các siêu thị một lần nữa làm dấy lên những lo ngại tại đảo quốc sư tử.
Một trang trại rau theo mô hình nông nghiệp đô thị ở Singapore. Ảnh: CNA
Một trang trại rau theo mô hình nông nghiệp đô thị ở Singapore. Ảnh: CNA

Theo Giáo sư William Chen, giám đốc chương trình khoa học và công nghệ thực phẩm của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cuộc khủng hoảng bệnh dịch là lời nhắc nhở kịp thời về sự mong manh của an ninh lương thực đối với đảo quốc sư tử, nơi phụ thuộc tới 90% nguồn lương thực nhập khẩu.

Trước những đe dọa đến từ biến đổi khí hậu, Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) thuộc Bộ Tài nguyên nước và môi trường Singapore đã đặt ra mục tiêu tăng mức tự cung lương thực lên 30% vào năm 2030 (còn được biết đến với tên gọi Mục tiêu 30-30). Tuy nhiên, giáo sư Paul Teng, chuyên gia cao cấp Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Nanyang cho rằng, mục tiêu 30-30 là chưa đủ đối với Singapore.

“Ngay cả khi chúng tôi đạt được điều đó trong 10 năm nữa, 70% lượng lương thực còn lại vẫn phải nhập khẩu. Nếu tất cả mọi thứ đều bình thường, chỉ cần tạo một vùng đệm là đủ. Nhưng nếu tất cả các kịch bản xấu nhất về biến đổi khí hậu trở thành sự thật thì Singapore cần hơn Mục tiêu 30-30 rất nhiều”.

Tháng 3 vừa qua, Singapore cùng 6 nước là Australia, Brunei, Canada, Chile, Myanmar và New Zealand đã ra tuyên bố chung cấp bộ trưởng nhấn mạnh cam kết duy trì chuỗi cung ứng mở trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra. Giáo sư Paul Teng cho rằng, đây một trong những cách đảm bảo có nhiều thỏa thuận kết nối chuỗi cung ứng hơn. Tuy nhiên, giáo sư William Chen nhận định trong thời kỳ khủng hoảng, mọi thứ không chắc chắn bởi các quốc gia phải bảo vệ lợi ích của chính mình.

Theo giáo sư Paul Teng, đối với bất kỳ quốc gia nào, việc định hình một chiến lược an ninh lương thực khả thi thường phải dựa vào khả năng cân bằng tốt giữa tự lực và tự túc. Theo đó, tự túc có nghĩa là một quốc gia có thể tự sản xuất thực phẩm, không phụ thuộc vào nước khác, giống như Indonesia và Philippines trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Còn tự lực, có nghĩa là vẫn nhập khẩu thực phẩm nhưng phải căn cứ vào mức độ sản xuất trong nước. Singapore xếp vào loại thứ hai vì không có tài nguyên thiên nhiên, đất đai và nguồn nước dồi dào.

Tính đến năm ngoái, Singapore có 220 trang trại, sản xuất chủ yếu rau ăn lá, cá và trứng. Hàng triệu đô la đang được đổ vào ngành nông nghiệp nhưng lượng thực phẩm sản xuất ra vẫn ít hơn 10% nhu cầu. Phần còn lại được nhập khẩu từ hơn 170 quốc gia và khu vực. Nhiều ý kiến cho rằng ngoài những chính sách để bảo vệ nguồn cung cấp cũng như một số khả năng sản xuất trong nước mà Singapore cần thực hiện, điều quan trọng nữa là đảo quốc sư tử cần thay đổi nhận thức về nghề nông. Không nhiều người Singapore muốn đến một trang trại làm việc.

Hiện hầu hết lao động làm nông là người nước ngoài. Chính vì vậy, cần phải thay đổi nhận thức về nông nghiệp để nhiều người trẻ coi đó là một nghề nghiệp. Đây là vấn đề an ninh quốc gia. Do đó, nông dân thành thị hoặc các nhà làm nông nghiệp nên được coi là một phần quan trọng của nền kinh tế trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục