Thách thức trong xây dựng vùng đổi mới sáng tạo ở Bình Dương

Trong 2 ngày 19 và 20-4, tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 25 năm Bình Dương được tách ra từ tỉnh Sông Bé. Hội thảo là dịp để khẳng định, tôn vinh những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đạt được, nhận diện những thách thức, xác định bước đi, đề xuất cơ chế, chính sách để tăng tốc phát triển. 

1/4 thế kỷ bứt phá

Khi mới tách tỉnh, Bình Dương có xuất phát điểm thấp với hệ thống giao thông chưa phát triển, số cơ sở giáo dục, y tế còn khiêm tốn, thu nhập của người dân còn thấp; nhưng với tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm của Đảng bộ, chính quyền cùng sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, sự hỗ trợ của trung ương đã giúp Bình Dương dần trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ và của cả nước. Từ một tỉnh còn nhờ trung ương bao cấp ngân sách, Bình Dương đã nhanh chóng tiến tới tự chủ cân đối thu chi, nộp ngân sách trung ương và nhiều năm nay thuộc tốp 5 địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia. 

Cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn thường xuyên kẹt xe, trở thành nỗi ám ảnh với người và phương tiện tham gia giao thông
Nếu năm 1997, tổng giá trị sản phẩm (GRDP) của tỉnh chỉ 3.919 tỷ đồng thì năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng (gấp 104,33 lần), nếu tỷ trọng nông, lâm nghiệp năm 1997 chiếm 22,81% thì cuối năm 2021 đã giảm mạnh còn 3,1%, tổng thu ngân sách năm 1997 chỉ đạt 817 tỷ đồng thì năm 2021 đã đạt 61.200 tỷ đồng (gấp 74,9 lần), tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 đã đạt 123.708 tỷ đồng (gấp 40,9 lần năm 1997) và thu nhập bình quân năm 2021 đã đạt 152,2 triệu đồng/người (gấp 26,24 lần) - thuộc tốp đầu cả nước. 


Nhờ kinh tế tăng trưởng cao, nhất là thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nên Bình Dương đã thu hút được một lượng lớn lao động từ các địa phương trong cả nước đến làm việc: Dân số Bình Dương năm 2021 là 2,68 triệu người, tăng gấp 4,13 lần năm 1997; hệ thống trường lớp ngày càng được đầu tư khang trang với tỷ lệ lớp giáo dục mầm non hiện là 4.370 lớp (tăng gấp 7,29 lần), giáo dục THPT hiện có 932 lớp (tăng 3,56 lần); năm 1997 toàn tỉnh chỉ có 7 bệnh viện thì đến cuối năm 2021 con số này đã lên 28 bệnh viện, năm 1997, số bác sĩ chỉ có 236 thì năm 2021 tăng lên 1.932 bác sĩ (gấp 8,18 lần).

Không ít rào cản

Những năm gần đây, Bình Dương đã đẩy nhanh quá trình hội nhập vào kinh tế số của thế giới với việc là thành viên của Hiệp hội Đô thị Khoa học thế giới và xây dựng đô thị thông minh. Thông qua quá trình hợp tác, thu hút đầu tư, tỉnh nhanh chóng xác định cho mình bước đi, đó là xây dựng hệ sinh thái mới - vùng đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tỉnh đã xác định vùng đổi mới sáng tạo gồm có các TP Thuận An, TP Dĩ An, TP Thủ Dầu Một và trung tâm TP Mới Bình Dương.  

Tuy nhiên, để xây dựng thành công vùng đổi mới sáng tạo, Bình Dương phải giải quyết nhiều vấn đề. Đầu tiên là xây dựng quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những điểm đột phá có tính lâu dài. Một trong những thách thức lớn nhất là làm sao tận dụng được nguồn lao động trẻ, có trình độ để xây dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp khi số doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chiếm tỷ trọng khá lớn, lao động chưa qua đào tạo còn nhiều, công nghệ máy móc chưa theo kịp với tiến bộ của khoa học công nghệ thế giới nên chưa thể tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho NLĐ. Khó khăn về vốn sẽ là lực cản để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu cạnh tranh xuất khẩu ra thị trường thế giới và thiếu lợi thế trong thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Tập đoàn BECAMEX, chia sẻ, để phát huy vai trò động lực của vùng đổi mới sáng tạo thì nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng. Kinh nghiệm của nhiều tập đoàn lớn, nhiều quốc gia phát triển cho thấy, khi đổi mới công nghệ sẽ đi kèm với giảm thâm dụng lao động nên sẽ phải giải bài toán thất nghiệp bằng cách chuyển NLĐ sang làm dịch vụ đô thị và phải có chính sách đào tạo cho lao động dôi dư.

Một thách thức nữa chính là hạ tầng giao thông, khi tốc độ phát triển giao thông chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của kinh tế và gia tăng dân số, dẫn đến nạn ùn tắc xe cộ thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường huyết mạch như đại lộ Bình Dương, cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn, tỉnh lộ ĐT 743... đang đòi hỏi phải có những quyết sách mới trong đầu tư xây dựng đường trên cao, nút giao thông, tăng cường hệ thống xe buýt và đặc biệt là đầu tư cho đường sắt.

Một trong những thành công của Bình Dương trong 25 năm qua chính là xây dựng được những doanh nghiệp đầu tàu như BECAMEX, những KCN - đô thị - dịch vụ kiểu mẫu như KCN Việt Nam - Singapore (VSIP 1, VSIP2, VSIP 3) từ đó nhân rộng ra trên cả nước.

Trong đó, KCN VSIP 3 vừa được khởi công xây dựng ngày 19-3 vừa qua và là KCN VSIP thứ 11 được xây dựng trên cả nước, được định hướng phát triển KCN thông minh - bền vững, đồng bộ về sử dụng năng lượng, nước, chất thải đến quản lý giao thông, an ninh; sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho các nhà máy lớn trong KCN, góp phần bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục