Thách thức đầu tiên

Không có gì ngạc nhiên khi ngay sau thông tin Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra bờ biển phía Đông của Nhật Bản sáng 25-3, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã mạnh mẽ lên án và phản đối: “Hành động này đe dọa hòa bình, an ninh của Nhật Bản và khu vực, đồng thời vi phạm các nghị quyết của Liên hiệp quốc”. 
Một vụ phóng thử tên lửa do Triều Tiên thực hiện. Ảnh: AP
Một vụ phóng thử tên lửa do Triều Tiên thực hiện. Ảnh: AP

Hành động thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên có thể được coi là động thái thách thức đầu tiên nhằm vào Mỹ dưới thời chính phủ tân Tổng thống Joe Biden. Giới phân tích cho rằng, vụ thử này cho thấy Triều Tiên tiếp tục phát triển kho vũ khí tên lửa đạn đạo của mình và có thể là một phần của chiến thuật tinh tế nhằm gây sức ép để giành được lợi thế trước khi chấp nhận đàm phán với chính phủ mới của Mỹ. 

Ông Vipin Narang - chuyên gia về vấn đề hạt nhân thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng, vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới nhất sẽ là một “bước leo thang” sau vụ thử cuối tuần qua, điều này cho thấy Triều Tiên đã cải thiện năng lực công nghệ, đồng thời phát đi đòn đáp trả tương xứng đối với hoạt động diễn tập chung Mỹ-Hàn.

Chuyên gia này cũng cho rằng, vụ thử mới nói trên cũng là tín hiệu gửi đến Mỹ rằng Bình Nhưỡng đang cải thiện kho vũ khí của họ. Cũng theo ông ta, mặc dù vụ thử nghiệm không hủy hoại những nỗ lực ngoại giao lâu nay của các bên, song là lời cảnh báo đối với các nước về cái giá phải trả nếu họ không đạt được thỏa thuận nào với Bình Nhưỡng. Các chuyên gia chính trị quốc tế lâu nay vẫn theo dõi sát sao các động thái của Triều Tiên để xem liệu nước này có làm gia tăng căng thẳng nhằm giành được lợi thế trước khi đàm phán với chính phủ của Tổng thống Biden hay không. Trong những ngày gần đây, Bình Nhưỡng đã đưa ra một số phát ngôn thù địch. Vụ thử này cũng làm gia tăng nguy cơ Bình Nhưỡng quay trở lại chu kỳ gây căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên nhằm buộc Washington phải đưa ra những nhượng bộ nhất định.

Tin cùng chuyên mục